Cà phê châu Á – Nhân tố mới trong làng cà phê thế giới
Trong những thập kỉ trước, cà phê của các nước Châu Á chưa thực sự phổ biến và thường bị lép vế khi đem ra so sánh với “anh em” ở Đông Phi, Trung Mỹ. Nhưng dạo gần đây, cà phê Châu Á đang từng bước chuyển mình và trở thành nhân tố mới – sản xuất và tiêu thụ cà phê hàng đầu. Liệu sự “bức phá” này có “vượt mặt” được các chủng loại cà phê vốn đã nổi trội trước đây?
Cà phê Châu Á đang phát triển một cách vượt bậc
Các nước trồng cà phê nổi tiếng ở Châu Á
Việt Nam
Mặc dù Việt Nam không phải là một đất nước rộng lớn như Brazil nhưng lại có sản lượng xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới.
Nguồn gốc
Vào những năm 1857, người Pháp đã mang cà phê vào VN và cà phê được trồng theo dạng trang trại trồng trọt trong thời gian ban đầu. Sản xuất cà phê của Việt Nam đã phát triển mạnh ngay từ những ngày đầu thành lập, ngoại trừ thời gian tạm lắng kéo dài trong và ngay sau Chiến tranh Việt Nam.
Chủng loại phổ biến
Robusta, Arabica, Culi, Cherry, Moka,… Trong đó Robusta là nổi tiếng và phổ biến hơn cả khi chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu ra nước ngoài.
Hương vị đặc trưng
Mỗi loại cà phê sẽ có một hương vị đặc trưng riêng biệt phụ thuộc vào đất đai, khí hậu, cách canh tác cũng như là phương pháp chế biến.
– Arabica: Khi trải nghiệm, Arabica mang lại một hương vị rất đặc biệt, chua nhưng không quá gắt. Loại hương vị thanh thuần trái cây được ví như khi ăn một trái chanh, tuy nhiên ngay lập tức sau đó, người thưởng sẽ cảm nhận được hậu vị ngọt ngào. Đây cũng là điểm đặc trưng đáng chú ý của các loài cà phê Specialty.
– Robusta: Trước khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận mùi hương có phần đậm đặc hơn các loại cà phê khác. Khác với cách chế biến của Arabica, hạt Robusta không phải lên men mà được sấy trực tiếp. Do đó, loại hạt này mang hương vị rất đậm đà, và có phần nặng đô hơn. Khi nhấp một ngụm đầu tiên, đầu lưỡi của bạn sẽ cảm nhận được hương vị đắng tê tê rất kích thích vị giác. Điều này đã làm cho Robusta trở thành loại cà phê được lòng phái mạnh.
Các vùng trồng phổ biến
Đà Lạt, Lâm Đồng, Sơn La, Khe Sanh ( Quảng Trị),…
Cà phê Việt Nam mang hương vị đậm đà làm say đắm lòng người
Indonesia
Indonesia bao gồm hàng nghìn hòn đảo nhỏ nhiệt đới. Rất nhiều trong số này cung cấp điều kiện khí hậu hoàn hảo để sản xuất cà phê đem lại chất lượng cao. Vì vậy mà Indonesia đã trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng thứ tư trên thế giới.
Nguồn gốc
Cà phê được trồng lần đầu tiên ở Indonesia bởi Công ty Đông Ấn Hà Lan, công ty này muốn thách thức sự độc quyền của người Ả Rập trong lĩnh vực cà phê và đã đưa cây Arabica đến quần đảo này. Mặc dù sản xuất cà phê lan rộng khắp các hòn đảo, nhưng một đợt bùng phát bệnh gỉ sắt ở cà phê vào năm 1876 đã làm tàn lụi hầu hết các loại cây trồng. Năm 1900, cà phê Robusta được du nhập vào Đông Java để thay thế.
Thánh địa trồng cà phê chính nằm ở ba hòn đảo: Sumantra, Java, Sulawesi.
Hương vị đặc trưng
– Cà phê trồng ở Sumantra: khi nhấp một ngụm, vị giác nơi đầu lưỡi sẽ được kích thích bằng vị chua nhẹ và pha trộn nhiều hương vị đa dạng. Từ mùi của đất, cây bách hương, cho đến vị trái lên men, rau thơm. Ngoài ra, ta còn có thể cảm nhận chút vị nồng chocolate và hương thơm đậm đà.
– Cà phê trồng ở Java: loại cà thơm ở đây không mang quá nhiều mùi vị đặc trưng, nhưng nhìn chung có vị chua nhẹ, thoáng mùi hạnh nhân và có body dày.
– Cà phê trồng ở Sulawesi: phải thật sự rất tinh tế thì thực khách mới có thể hình dung được hết hương vị của trái nho căng mọng, các loại hạt và vị cay nồng của hương liệu. Chúng là tập hợp nốt hương được hòa lẫn bởi vị mặn, chua dịu và khá đậm đà, cùng nhau tạo nên một bản giao hưởng hương vị hoàn hảo trong vòm miệng.
Cà phê Indonesia – thức uống hấp dẫn không thể chối từ
Ấn Độ
Ấn Độ từ lâu đời được biết đến là cái nôi của tôn giáo và tâm linh. Xuất sắc vượt mặt nhiều đối thủ, Ấn Độ đã trở thành nước có sản lượng xuất khẩu cà phê đứng thứ 7 trên thế giới.
Nguồn gốc
Ấn Độ được nhiều người biết đến là đất nước đầu tiên trồng cà phê bên ngoài Đông Phi và bán đảo Ả Rập. Hạt cà phê được những người Hồi Giáo Baba Budan mang bất hợp pháp vào Ấn Độ năm 1670, khi trở về từ Mecca. Từ đó đến nay cà phê đã được phát triển và trở thành một trong những cây trồng công nghiệp chủ lực ở quốc gia tôn giáo này.
Chủng loại phổ biến
Bao gồm: Kent, Cauvery, các giống Robusta, Kappi… Trong đó Kaapi là loại cà phê hiếm có và đắt tiền nhất nhưng được nhiều người săn lùng bởi mùi vị tuyệt hảo mà đó mang lại.
Hương vị đặc trưng
Kaapi chỉ được trồng vào mùa mưa và phải sấy khô trong các ngôi nhà mở để cho gió có thể vào và hong khô đảm bảo hạt vẫn giữ được độ ẩm tự nhiên. Chính vì điều này đã khiến cho Kaapi có hương vị rất độc đáo. Bạn sẽ cảm nhận được mùi nồng ấm nếu như theo cách pha chế cà phê nóng. Còn khi thưởng thức lạnh, thực khách sẽ cảm nhận được sự tươi mát, sảng khoái ngay trong miệng. Vị cùa cà phê Kaapi không quá đắng cũng không quá đậm đà như các loại khác, nó chỉ đủ nhẹ nhàng mơn man đầu lưỡi, cùng với vị chua nhẹ kích thích vị giác làm hương vị đặc trưng hơn.
Các vùng trồng phổ biến: Baba bundan, Niligris, Shevaroys,…
Cà phê Ấn Độ thu hút thực khách bởi hương vị độc đáo
Myanmar
Myanmar chỉ thực sự mới bắt đầu chú trọng vào việc đầu tư phát triển việc trồng sản xuất cà phê dạo gần đây.
Nguồn gốc
Cà phê lần đầu tiên đến Myanmar thông qua thực dân Anh vào những năm 1800, khi những người truyền giáo thành lập các trang trại cà phê nhỏ xung quanh Pyin Oo Lwin, một thị trấn trên đồi ở vùng Mandalay của đất nước. Cà phê được trồng ở Myanmar đã đi xuyên biên giới sang Trung Quốc, Lào và Thái Lan trong thời gian này. Sản xuất cà phê bị đình trệ sau khi người Anh rời đi, và không phát triển thương mại cho đến một thế kỷ sau.
Chủng loại phổ biến
Catimor, SL 34, Caturra, Catuai…
Hương vị đặc trưng
Cà phê Myanmar là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt của trái cây tươi và độ béo ngậy sánh mịn tuyệt vời như kem, tất cả cùng tạo nên một tách cà phê hoàn hảo chứa đựng những gì tinh túy nhất của đất trời. Thưởng thức một lần là say đắm một đời bởi vị thơm ngon không thể cưỡng lại được.
Myanmar – ngôi sao mới sáng của thị trường cà phê
Trên đây chỉ là một vài quốc gia phát triển cà phê đại diện cho khu vực Châu Á. Còn có rất nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Cambodia, Lào, Malaysia,… Tất cả các quốc gia này cùng tạo nên một sự đa dạng của vành đai cà phê thế giới ở Châu Á.
Mong sớm có cơ hội thưởng thức tận nơi các hương vị tuyệt vời này, trước tiên mời bạn cùng 43 Factory Coffee Roaster phiêu lưu đến những vùng đất xa xăm. Biết đâu cuộc hành trình ấy lại sớm cập bến những thức cà thơm nồng đậm vị mang tên Châu Á!