Nguy cơ mắc bệnh tim khi uống cà phê sai cách?
– TASTE THE ORIGIN –
Nguy cơ mắc bệnh tim khi uống cà phê sai cách? Cà phê là thức uống chứa nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng nó cũng có thể là con dao hai lưỡi nếu dùng không phù hợp. Bởi không phải lúc nào, đối tượng nào cũng có thể uống cà phê dù cho bạn đang rất thèm nó.
Thế nào là uống cà phê sai cách?
Bên trong cà phê có nhiều chất tốt cho cơ thể như caffeine hay chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lạm dụng cà phê. Bởi vì caffeine là chất kích thích thần kinh, nó chỉ phát huy mặt tốt của mình khi được dùng điều độ, phù hợp.
Người uống cà phê có thể mắc phải một trong các sai lầm sau đây:
– Uống quá nhiều:
Nhiều người có thói quen uống cà phê để duy trì sự tỉnh táo, tăng cường năng lượng cho cơ thể dẫn đến việc cứ mệt mỏi, buồn ngủ là uống cà phê. Nhưng điều này lại không tốt. Tiêu thụ quá nhiều caffeine làm tăng nguy cơ mất ngủ, tăng huyết áp và các vấn đề về tim mạch.
– Thêm quá nhiều chất tạo ngọt vào cà phê:
Để cân bằng lại vị đắng người ta thường thêm kem, đường, các chất tạo ngọt khác vào cà phê. Nhờ vậy cốc cà phê vừa đắng vừa ngọt trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nhưng đừng đắm chìm vào nó quá nếu bạn không muốn gặp các vấn đề về tim mạch, thừa cân.
Nhiều người thường quên uống nước khi uống cà phê
– Uống không đủ nước:
Suy nghĩ uống cà phê thay nước hẳn là đã từng xuất hiện ít nhất là một vài lần đối với hầu hết người dùng. Thực tế thì ngược lại. Cà phê có tính chất lợi tiểu, gây đi tiểu nhiều hơn nên có thể dẫn đến mất nước, từ đó khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu, giảm chức năng nhận thức. Hãy cố gắng uống đủ nước khi uống cà phê.
– Uống trước giờ đi ngủ:
Caffeine khiến cơ thể tỉnh táo nên sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, ngủ không sâu hay thậm chí là mất ngủ. Do đó, đừng uống cà phê quá muộn, nên cách khoảng 4-5 tiếng trước giờ ngủ nhé!
Uống cà phê sai cách có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Tình trạng này được phát hiện ở Rachel Finley (người Anh) – cô gái uống đến 8 cốc cà phê mỗi ngày. Từ khi còn học đại học đã bắt đầu uống 8 tách cà phê espresso mỗi ngày. Những ca làm thêm mệt mỏi tại nhà hàng khiến cô ngày càng nghiện cà phê hơn. Cô thậm chí còn dùng thêm cả những viên nang chứa caffeine (loại chất có trong cà phê) để tỉnh táo.
Khi trải qua tình trạng tim đập nhanh suốt đêm, Rachel cho rằng mình đang bị căng thẳng. Nhưng khi đi khám, cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhịp tim. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị tổn thương tim, não hoặc các cơ quan khác, dẫn đến đột quỵ, suy tim hoặc ngừng tim, gây tử vong.
Uống quá nhiều cà phê khiến cơ thể nạp một lượng lớn caffeine có thể là một trong nhiều nguyên nhân làm cô gái 21 tuổi này bị bệnh tim. Theo Daily Mail, Rachel đã tiêu thụ khoảng 700mg caffeine mỗi ngày. Trong khi đó, Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến nghị người trưởng thành khỏe mạnh không dùng quá 400mg mỗi ngày, tương đương 4-5 tách cà phê.
Các chất kích thích như caffeine dễ khiến tim đập nhanh hơn, đánh trống ngực. Caffeine có thể làm tăng huyết áp tạm thời.
Nghiện caffeine là việc sử dụng caffeine quá mức trong một khoảng thời gian và không có khả năng kiểm soát mặc dù có những tác động tiêu cực như đánh trống ngực. Người nghiện caffeine có thể bị rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, run rẩy, nhức đầu, tăng huyết áp, hồi hộp và nhịp tim bất thường.
Trên đây, chuyên mục Tin tức vừa gửi đến bạn đọc nguy cơ sức khỏe khi uống cà phê sai cách. Nạp caffeine không khoa học, thừa, sai đối tượng có thể khiến người dùng mắc các bệnh lý nguy hiểm. Caffeine không chỉ có trong cà phê mà còn có trong trà, các loại nước tăng lực khác. Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe, các bạn nên kiểm soát lượng caffeine nạp vào cơ thể.
Bài viết liên quan:
– Giá cà phê hôm nay, xem giá cà phê hôm nay chính xác
– Dự án PhilCAFE mở đường cho sự bứt phá của ngành cà phê Philippin