Quán cà phê ám ảnh với cà phê nhất mà tôi từng biết
Và quán cà phê ấy là 43 Factory Coffee Roaster.
Tôi đã nghe nhiều lời đồn đại của anh em tiktoker về quán cà phê Specialty “sang chảnh” bậc nhất Sài Gòn này. Rằng decor siêu đẹp và đồ uống thì siêu đắt, đã thế nhân viên còn nói rõ nhiều. Đẹp và đắt thì không quá khó hiểu, nhưng nhân viên nói nhiều là nói cái gì nhỉ? Điểm đó thực sự khiến tôi tò mò, nên quyết tâm phải tự mình trải nghiệm. Bởi tôi cũng là một kẻ khá thích chuyện phiếm nên đã đến Xưởng cà phê kia với tâm thế giao lưu tìm hiểu, đồng thời đánh giá chất lượng của lối chuyện trò mà quán đang xây dựng.
Và bạn biết gì không? Cà phê, chỉ có cà phê – là chủ đề mà chúng tôi trao đổi cùng nhau suốt hai tiếng đồng hồ tại quán. Giữa không gian decor hai mảng màu đen trắng đối lập đầy ấn tượng, tôi như lạc bước vào thế giới tách biệt nơi cà phê Specialty, vùng trồng, sự nguyên bản, tính minh bạch trở thành tâm điểm.
Thay vì tầng trệt nơi có mô hình landscape kì công, tôi chọn tầng một để tiếp xúc thật gần với những barista, ngắm nhìn quy trình hạt cà biến hóa trong những bàn tay điêu luyện. Ngày hôm ấy, tôi uống cà phê đặc sản xứ Ethiopia, thứ cà phê filter nhẹ và trong, không tồn tại chút nào của vị đắng mà chỉ có độ chua dìu dịu cùng hậu ngọt khi nuốt xuống.
Và đó cũng là lần đầu tiên tôi trải nghiệm lối phục vụ thuyết trình tại một quán cà phê. Tôi gọi là phục vụ thuyết trình, bởi người phục vụ khi mang cà phê đến cho tôi – dường như đã được huấn luyện rất bài bản – bắt đầu giới thiệu về loại cà phê mà tôi chọn thưởng thức. Người ta thường bảo trong ngành dịch vụ, khách hàng là thượng đế. Nhưng ngày hôm đó tôi có cảm giác rất khác biệt, tôi không cần phải là một thượng đế, mà là một người đồng hành. Cả tôi, người pha chế đều như trở thành những kẻ hành hương trên cuộc hành trình khám phá xứ sở cà phê Ethiopia mới mẻ.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy gần gũi và thấu hiểu cà phê đến vậy trước khi nghe những thuyết trình chân thành từ người phục vụ – những worker cần mẫn của Xưởng. Cách họ nói về cà phê tỉ mỉ đến đáng kinh ngạc. Khi lắng nghe, tôi có cảm giác bấy lâu nay có lẽ mình đã quá hời hợt, chẳng để tâm mấy đến những lần lê la quán xá, tiêu thụ những sản phẩm chẳng biết nguồn gốc đến từ đâu.
Cà phê lề đường rất vui, dân dã và đậm nét văn hóa Việt Nam, nhưng khi nói đến chất lượng thì có lẽ chẳng mấy ai dám chắc độ tin cậy. Dần dần, chúng ta hình thành tâm lí phó mặc, có đôi chút vô tâm. Cà phê ở 43 Factory Coffee Roaster thì khác, mọi thông tin đều rõ ràng, minh bạch. Những hạt cà phê Arabica chất lượng cao được trồng ở đâu, điều kiện khí hậu như thế nào, đời sống của nông hộ, lịch sử của vùng trồng. Mỗi loại cà phê như vậy mà lại khác nhau khi lựa chọn phương pháp pha chế riêng. Không trải nghiệm nào giống nhau, không trải nghiệm nào không đáng giá.
Nguồn kiến thức chuyên sâu ấy được thuyết trình một cách chỉn chu và đầy tâm huyết khiến tôi cảm nhận được niềm đam mê không gì so sánh nổi toát lên từ những người trẻ này. Họ có thể yêu cà phê đến thế ư? Tôi từng tự hỏi, rồi cũng tự đúc kết được câu trả lời. Có lẽ đúng hơn thứ họ yêu là một tạo vật tuyệt vời của tạo hóa. Điều ấy đã gắn kết họ ở đây cùng nhau, vẫn ngẩng cao đầu trước mỗi luồng dư luận trái chiều về cung cách phục vụ kì lạ, vẫn miệt mài nỗ lực tìm ra những tâm hồn đồng điệu.
Có lẽ xuất phát điểm của tôi không thể đạt đến ngưỡng chuyên nghiệp như những con người này, tôi cũng không quá ám ảnh về cà phê, nhưng tôi cực kì trân quý những tâm hồn đam mê và dám rực cháy hết mình vì nó. Đó là lúc tôi biết mình muốn trở thành một phần của cộng đồng ấy – cộng đồng trân trọng những giá trị nguyên bản của cà phê Specialty.
Photo: coffee.saigon