Trải nghiệm hoàn hảo hơn cùng Hunter Subscription

TRẢI NGHIỆM | TIN TỨC

Liệu sản xuất cà phê bền vững có giúp cân bằng về môi trường và kinh tế?

– PROTECT THE ORIGIN –

Sản xuất cà phê bền vững là một trong những hướng đi quan trọng của ngành cà phê thế giới. Đây là mô hình canh tác được cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thu nhập cho người nông dân, đồng thời bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Ngày nay các nhà sản xuất rất coi trọng việc sản xuất cà phê theo định hướng này. Tuy nhiên để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, họ phải tốn rất nhiều chi phí cho việc đầu tư trang thiết bị, vật tư,…ảnh hưởng đến lợi nhuận thu được. Như vậy,  sản xuất cà phê bền vững có thực sự giúp cân bằng về môi trường và giá trị thương mại? Hãy cùng 43 Factory Coffee Roaster cùng tìm hiểu ngay nhé!

 

Sản xuất cà phê bền vững

 

Sản xuất cà phê bền vững là canh tác cà phê bằng các phương pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và kinh tế. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích cho người nông dân, mà còn góp phần vào việc thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, qua việc tiết kiệm nước, giảm phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, tăng cường cây che bóng và cây trồng thâm canh. Theo Cộng đồng cà phê quốc tế, sản xuất cà phê bền vững cần tuân theo các tiêu chí và quy trình được chứng nhận hoặc kiểm tra bởi các tổ chức uy tín, đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy. Những hoạt động của các bên liên quan từ nhà sản xuất, thương nhân đến nhà cung ứng cần:

– Đặt trọng tâm vào việc bảo vệ môi trường và giữ gìn các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

– Đem lại giá trị, mức lợi nhuận xứng đáng cho công sức của tất cả chuỗi ứng đồng thời có thặng dư cho việc đầu tư và phát triển.

– Đảm bảo môi trường làm việc phù hợp, sinh kế ổn định cho người lao động và cộng đồng, xã hội.

 

Sản xuất cà phê bền vững bảo vệ môi trường

 

Một trong những tiêu chí khi sản xuất cà phê bền vững là đề cao trách nhiệm với môi trường, giảm tác động xấu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Hạn chế thải ra khí Carbon gây nên hiệu ứng nhà kính

 

Sản xuất cà phê bền vững là một trong những cách để giảm thiểu lượng khí carbon thải ra môi trường. Khí carbon là một trong những nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), lượng khí Carbon mà ngành cà phê thải ra toàn cầu mỗi năm chiếm tới 0,2%. Vì thế, để giảm thiểu điều này các nhà sản xuất đã áp dụng sản xuất cà phê bền vững trong quá trình canh tác, thu hoạch và chế biến.

Việc sản xuất cà phê bền vững bắt đầu từ việc ưu tiên sử dụng các giống cây cà phê phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của từng vùng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với thời tiết tốt hơn. Cà phê cũng được trồng xen canh với các loại cây khác như cây ăn quả, cây rừng hoặc cây lương thực. Cây cà phê xen canh có thể tận dụng được nguồn nước và dinh dưỡng từ các loại cây khác. Điều này giúp giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu cần sử dụng, tăng mật độ che phủ của rừng từ đó giảm lượng khí carbon thải ra. Bên cạnh đó, các phương pháp thu hoạch và chế biến cà phê truyền thống thường sử dụng nhiều năng lượng từ các nguồn không tái tạo như than, dầu hoặc gas để sấy khô hạt cà phê. Điều này gây ra lượng khí carbon thải ra rất lớn. Vì thế Các nhà sản xuất cà phê bền vững đã chuyển qua sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió hoặc sinh khối để sấy khô hạt cà phê để giảm phát khí thải và tiết kiệm năng lượng.

sản xuất cà phê bền vững

 

Tiết kiệm nước và giảm tối thiểu nước thải khi sản xuất cà phê

 

Quá trình trồng trọt, sơ chế cà phê cần khối lượng lớn nước đồng thời tạo ra rất nhiều chất thải chứa lượng Kali cao (công đoạn tách vỏ hạt) gây hại cho môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Để giải quyết vấn đề này, các nông trại theo định hướng bền vững đã tìm các phương pháp giảm lượng nước tiêu thụ trong quá trình chế biến cà phê, tái sử dụng nước thải và xử lý chất thải hữu cơ. Giáo sư Douglas Guelfi – nhà nghiên cứu nông nghiệp tại UFLA cho biết, ông đã thấy nhiều nhà sản xuất sử dụng số nước sau khi sơ chế cà phê làm phân bón Kali cho cây trồng. Họ còn sử dụng lượng nước thải này để sản xuất thành phân bón hữu cơ để đưa nước trở lại môi trường, hạn chế chất thải độc hại. Ngoài ra, canh tác cà phê xen canh còn tạo ra bóng mát, giảm nhiệt độ tự nhiên cho cây cà phê giúp tiết kiệm nguồn nước tươi tiêu mỗi năm. 

 

Giảm thiểu ô nhiễm đất trồng do lạm dụng phân bón hoá học

 

Sản xuất cà phê bền vững là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm đất trồng do sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Các phương pháp canh tác sản xuất này đều thân thiện với môi trường, hướng đến sự phát triển tự nhiên của cà phê. Các cây cà phê sẽ được trồng theo hình thức nông lâm kết hợp để dễ hấp thụ dinh dưỡng, phát triển hài hoà với môi trường xung quanh. Chúng cũng được kiểm soát sâu bệnh, côn trùng gây hại nhờ các loài côn trùng có ích hay các loại cây có tác dụng đuổi sâu bệnh. Điều này giúp giảm lượng chất hoá học sử dụng, hạn chế dư lượng chất gây hại cho đất. Cà phê trồng theo nông lâm kết hợp còn góp phần tăng đa dạng sinh học, phục hồi rừng, cải thiện tình trạng đất bị xói mòn, sạt lở,…Ngoài ra, trong các thời điểm cần bổ sung dinh dưỡng, nông dân cũng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho phân bón hoá học giúp nâng cao, duy trì chất lượng đất một cách bền lâu.

 

Sản xuất cà phê bền vững mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà sản xuất

 

Bên cạnh giúp bảo vệ môi trường, sản xuất cà phê bền vững còn mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà sản xuất. Bởi thị phần và giá trị của cà phê bền vững ngày càng cao hơn vì xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường tăng nhanh trong những năm gần đây. Chỉ riêng trong năm 2018, người tiêu dùng đã chi hơn 128 tỷ $ cho ngành hàng này. Trong năm 2020 có hơn 77% người tiêu dùng cho rằng họ quan tâm và ưu tiên các sản phẩm có tính bền vững và trách nhiệm với môi trường hơn. Bên cạnh đó, ngoài doanh thu từ cà phê, người nông dân cũng có thêm nguồn thu nhập khác nhờ xen canh các cây trồng nông nghiệp khác trong nông trại. Thế nên, mặc dù các nhà sản xuất sẽ tốn nhiều chi phí hơn để sản xuất cà phê theo hướng bền vững nhưng giá trị của chúng mang lại không hề thấp. Lợi nhuận mang lại từ ngành này đã giúp nhiều nhà sản xuất, nông dân có cuộc sống tốt đẹp và tương lai rộng mở hơn nhờ sự đón nhận của thị trường.

sản xuất cà phê bền vững

Có thể thấy sản xuất cà phê bền vững vừa giúp bảo vệ môi trường vừa đem lại giá trị thương mại cho người sản xuất. Đây là một hướng đi đáng khuyến khích và hỗ trợ trong ngành cà phê toàn cầu. Tuy nhiên lợi ích thương mại của nó còn tuỳ thuộc khá nhiều vào xu hướng của người tiêu dùng. Vậy nên, để phát triển mô hình này các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững, nâng cao khả năng tìm kiếm, tiếp thị thị trường tiêu thụ, khuyến khích các người tiêu dùng chọn mua và ủng hộ các sản phẩm cà phê có nhãn hiệu bền vững. Nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này hãy theo dõi 43 Factory Coffee Roaster để cập nhật các thông tin hữu ích về sản xuất cà phê bền vững nhé!

Bài viết liên quan:

– Cùng 43 Factory Coffee Roaster nhìn lại hành trình 5 năm nỗ lực

– Chất liệu đóng gói tác động đến chất lượng cà phê xanh như thế nào qua thời gian?

– Worker và hành trình sẻ chia giá trị đích thực cho người dùng cuối

5/5 - (1 bình chọn)