Bất bình đẳng giới đối với phụ nữ trong sản xuất cà phê tại Đông Phi
– TASTE THE ORIGIN –
Cà phê không chỉ là một loại thức uống phổ biến trên toàn thế giới, mà còn là nguồn thu nhập chính cho hàng triệu người đặc biệt là các quốc gia tại Đông Phi. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), có tới 70% lao động trong sản xuất cà phê ở Đông Phi là phụ nữ. Họ tham gia vào tất cả các công việc như gieo hạt, chăm sóc cây, thu hoạch quả và chế biến. Tuy nhiên, phụ nữ – những người đóng góp lớn lao cho quá trình sản xuất cà phê thường bị bỏ qua và bị đối xử bất công so với nam giới. Họ còn phải đối mặt với nhiều rào cản xã hội, văn hóa xuất phát từ việc thiếu giáo dục, không được phân chia quyền lực cùng bạo lực gia đình. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, nhân quyền của những người phụ nữ cũng như tính đạo đức, bền vững trong toàn ngành. Tại sao lại có sự bất công này? Làm thế nào để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới trong ngành cà phê? Hãy cũng 43 Factory Coffee Roaster tìm hiểu nhé!
Thực trạng bất bình đẳng đối với phụ nữ trong sản xuất cà phê tại Đông Phi
Sự phân bổ lao động không đồng đều
Phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp Đông Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê. Theo cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu thế giới – USAID, số lượng lao động nữ tại các khu vực này chiếm một phần rất lớn. Trong đó nổ bất nhất có thể kể đến Burundi chiếm tới 96%, Kenya 76%, Rwanda 84%, Tanzania 71%, Uganda 77%,….
Không những chiếm tỉ lệ động đảo về số lượng, những người phụ nữ Đông Phi cũng thường đảm nhận các công việc vất vả nhất. Trong các trang trại cà phê ở Đông Phi họ là người thực hiện tất cả các công đoạn gieo trồng, tỉa cành, nhổ cỏ, bón phân, thay thế cây già,…. Lorraine Girinka – Giám đốc Truyền thông của KALICO, một công ty cà phê do phụ nữ sáng lập ở Burundi cho biết: “Ở Burundi, phụ nữ góp phần quan trọng vào toàn bộ quá trình sản xuất cà phê. Dù trang trại đó thuộc về chính họ hay người chồng, thì hầu như phụ nữ đều phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc cây cà phê để chúng khỏe mạnh từ khi gieo hạt cho đến khi thu hoạch.
Bất công trong quyền lợi
Phụ nữ Đông Phi luôn là lao động chính và kiêm các đầu việc khó khăn nhưng họ không được hưởng lợi bình đẳng từ công việc của mình. Họ thường bị hạn chế trong việc ra quyết định về sản xuất và tiêu thụ cà phê, cũng như trong việc tiếp cận tài chính và tài nguyên.
Max Peters – một chuyên gia cà phê ở Tanzania còn cho biết rằng ở Tanzania, đa số trang trại cà phê do nam giới sở hữu, nhưng phụ nữ là người làm việc chính. Họ cũng không có tiếng nói trong việc đưa ra các quyết định trong trang trại hay nhận mức lượng xứng đáng với công sức bỏ ra. Báo cáo của Farming First cũng cho thấy sự bất công tương tự tại Uganda. Tại khu vực này phụ nữ chiếm 58% lực lượng lao động trồng cà phê và 72% lực lượng lao động chế biến sau thu hoạch, nhưng nam giới lại có thu nhập cao hơn rất nhiều lần. Điều này cũng được chỉ ra trong Báo cáo năm 2015 của Hiệp hội Cà phê Đặc sản về bình đẳng giới ở Đông Phi, theo đó, nam giới kiếm được trung bình hơn 700 USD mỗi mùa cà phê, trong khi phụ nữ chỉ kiếm được dưới 450 USD. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội của phụ nữ trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như gây ra bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên giới tính .
Tại sao phụ nữ Đông Phi bị đối xử bất bình đẳng trong sản xuất cà phê?
Bất bình đẳng giới là một vấn đề nghiêm trọng và phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Một trong những nguyên nhân của bất bình đẳng giới là những định kiến và quan niệm sai lầm về vai trò và khả năng của phụ nữ trong xã hội. Một ví dụ cụ thể về điều này là câu chuyện của mẹ của Max Peters – một người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Mẹ anh thường phải đối mặt với những khó khăn và thiệt thòi chỉ vì là phụ nữ. Một số người cho rằng bà sẽ không thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong sản xuất cà phê vì sẽ gặp rắc rối với các cách thức vận hành, thủ tục hành chính, giấy tờ. Họ nghĩ rằng sẽ dễ dàng hơn nếu thuê một người đàn ông để giải quyết những vấn đề này. Mẹ của Max cũng bị phân biệt đối xử trong phân chia lương thưởng và khi muốn thực hiện việc đưa ra quyết định, tiếp cận các nguồn tài chính hay các cơ hội tham gia các hội thảo, đào tạo của tổ chức. Nhưng cũng chính những người đã từ chối cho bà ấy lại sẵn sàng mời Max tham gia các khóa đào tạo của họ vì anh là nam.
Ngoài định kiến, suy nghĩ cá nhân thì văn hoá và chính sách xã hội cũng là yếu tố gây nên sự bất bình đẳng này. Ở nhiều quốc gia Đông phi có những thể chế, chính sách loại trừ phụ nữ khỏi các vai trò cấp cao. Những quy định, chính sách đó sẽ khiến nữ giới bị bài xích, tẩy chay và không có cơ hội phát triển sự nghiệp như nam giới. Thậm chí, một số khu vực còn có truyền thống lâu đời rằng người kế thừa các trang trại cà phê phải là thành viên nam. Họ còn không được khuyến khích đi học mà tham gia trồng cà phê để kiếm tiền cho gia đình. Vì thế, những người phụ nữ tại đây gần như không thể sở hữu hay được trao quyền điều hành một trang trại cà phê.
Làm thế nào để cải thiện bất bình đẳng giới trong sản xuất cà phê tại Đông Phi?
Để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới này, cần có sự thay đổi từ nhiều mặt. Đây không phải là một công việc dễ dàng. Điều đầu tiên, cấp bách nhất là cần phải thay đổi nhận thức xã hội và văn hóa về vai trò và quyền lợi của phụ nữ. Chúng ta cần cho mọi người nhận thức được năng lực cùng tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển của toàn ngành. Nữ giới đã tham gia vào quá trình sản xuất cà phê ở Đông Phi từ lâu đời nên họ có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này. Chúng ta cần tôn trọng và công nhận giá trị của những kiến thức và kỹ năng của họ.
Ngoài ra, việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính và nguồn lực cho phụ nữ cũng có ý nghĩa rất lớn. Trong thời gian gần đây, các hiệp hội hợp tác xã đã bắt đầu cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho phụ nữ làm việc trong ngành cà phê để giúp họ có được các nguồn lực và kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, một số quốc gia như Uganda, Tanzania, Rwanda, Kenya, Ethiopia và Burundi đã thành lập Liên minh cà phê dành cho phụ nữ Quốc tế (IWCA) để trao quyền cho họ. Tổ chức sẽ cung cấp cho phụ nữ những phương pháp thực hành tốt nhất để làm cỏ, tỉa cành, phủ đất, thu hoạch và chế biến giúp phụ nữ có thể thực hiện những phương pháp này hiệu quả hơn – có khả năng tăng sản lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện các biện pháp trên, phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp trong nhiều hợp tác xã cà phê Đông Phi. Để cải thiện tình trạng này, nhiều phụ nữ đã tự mình thành lập các hợp tác xã chỉ dành cho phụ nữ để đảm bảo họ có vai trò bình đẳng hơn với nam giới trong việc tiếp cận tài chính trong sản xuất cà phê.
Có thể thấy, phụ nữ đang là chỗ dựa chính trong lao động cà phê Đông Phi nhưng họ lại đang chịu nhiều bất công trong xã hội. Họ không được nhận những quyền lợi về cả tài chính lẫn cơ hội phát triển. Điều này không chỉ gây tổn hại cho phụ nữ, mà còn làm suy yếu năng lực sản xuất và phát triển của ngành cà phê. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự thay đổi về ý thức và thái độ của toàn xã hội đối với phụ nữ, cũng như việc tạo ra các điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể thể hiện khả năng và tiếng nói của mình trong các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội. Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này? 43 Factory Coffee Roaster luôn theo đuổi hạt cà đạo đức, có trách nhiệm, công bằng với tất cả cộng đồng và toàn ngành. Hãy đến đây để cùng thưởng thức hương vị của sự bình đẳng, văn minh nhé!
Nguồn: perfectdailygrind
Bài viết liên quan:
– Thương hiệu 43 Factory Coffee Roaster chính thức đổi tên thành XLIII Coffee.
– Liệu sản xuất cà phê bền vững có giúp cân bằng về môi trường và kinh tế?
– Café Granja La Esperanza – Tình yêu cà phê đặc sản hơn 7 thập kỷ tại Colombia