Những vấn đề về nạn phá rừng trong sản xuất cà phê tại Amazon
– PROTECT THE ORIGIN –
Theo thống kê, sự tăng trưởng của các ngành nông nghiệp quy mô lớn đặc biệt là sản xuất cà phê đang đe dọa nghiêm trọng tới tính bền vững của môi trường, kinh tế và xã hội. Trong đó, hàng loạt khu rừng nguyên sinh bị chặt bỏ nhường chỗ cho các đồn điền trồng trọt, chăn nuôi gia súc. Tài nguyên thiên nhiên gần bị cạn kiệt, xói mòn, ô nhiễm do khai thác và rác thải trong quá trình sản xuất. Cùng 43 Factory Coffee tìm hiểu các vấn đề về nạn phá rừng trong sản xuất cà phê tại Amazon và cách giải quyết nhé!
Sản xuất cà phê và nạn phá rừng tại Amazon
Trong các nghiên cứu về lịch sử cà phê, sản xuất cà phê bắt đầu hình thành ở rừng nhiệt đới Amazon vào những năm 1970. Vùng trồng đầu tiên chủ yếu ở khu vực rừng nằm ở bang Rondonia. Sau đó chúng lan rộng ra xung quanh các lưu vực lân cận. Hiện nay, có tới 60% cà phê trồng tại Amazon thuộc về Brazil. Thời điểm trước khi sản xuất theo quy mô lớn, nhiều gia đình sống ở Amazon trồng cà phê theo quy mô nhỏ và áp dụng các phương pháp hài hòa với thiên nhiên. Thế nhưng, khi việc sản xuất cà phê trở nên phổ biến, nhiều khu rừng bị chặt bỏ để trồng cà phê theo hướng độc canh. Đồn điền không kết hợp các loại cây như trước đây mà chỉ tập trung vào cà phê dẫn đến đa dạng sinh học bị phá huỷ.
Sản xuất cà phê là nguyên nhân khiến diện tích rừng Amazon sụt giảm
Theo Liên đoàn Động vật hoang dã Thế giới, Amazon chiếm 10% tổng diện tích rừng mưa nhiệt đới trên hành tinh. Đây là môi trường sống của 10% tổng số loài động vật hoang dã, đồng thời là nơi lưu trữ khoảng 76 tỷ tấn carbon dioxide, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, từ năm 1985 đến năm 2016, ước tính có khoảng 421.774km rừng nhiệt đới Amazon đã bị phá huỷ. Điều này làm suy giảm sự đa dạng của thực vật và động vật, xáo trộn sự cân bằng giữa các loài săn mồi và con mồi. Thảm thực vật rừng dần biến mất khiến lượng thoát hơi nước giảm nhanh, ảnh hưởng đến lượng mưa cục bộ và hàng loạt các vấn đề như suy thoái, xói mòn đất, tăng khí thải nhà kính, gây biến đổi khí hậu.
Một số khảo sát cho biết, từ thế kỷ 18, việc phát triển sản xuất cà phê của Brazil có thể là một trong các nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng ở Amazon, Đại Tây Dương và Cerrado. Các hệ thống rừng nguyên sinh và thứ sinh, đồng cỏ và cây bụi tự nhiên cũng đã bị mất trong quá trình phát triển này. Ban đầu, thảm thực vật tại Rừng Đại Tây Dương chiếm khoảng một triệu km2 (gấp khoảng bốn lần diện tích của Ngũ Hồ). Nhưng hiện tại, những khu vực này chỉ còn 12,4% thảm thực vật tự nhiên còn tồn tại. Bên cạnh đó, việc tăng cường sản xuất cà phê ở Brazil cũng thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đường bộ và đường sắt, dẫn đến thay đổi độ che phủ đất.
Nạn chiếm đất tác động tiêu cực đến tính bền vững trong sản xuất cà phê tại Amazon
Chiếm đất là việc mua lại tài sản và đất đai trên quy mô lớn, thường là của các công ty trong nước hoặc xuyên quốc gia, nhà đầu tư tư nhân và chính phủ. Sau đó, các lô đất này sẽ được mua hoặc cho thuê lại phục vụ cho hoạt động nông nghiệp quy mô lớn. Tình trạng chiếm đất ở Brazil có thể bắt nguồn từ các chính sách vào những năm 1970. Trong đó chính phủ cung cấp đất “miễn phí” cho các công ty khai thác và nông nghiệp để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực như chiếm dụng đất của nông dân, phá huỷ rừng.
Cụ thể, có một số bằng chứng cho thấy các chính phủ trước đây của Brazil đã tạo điều kiện cho các công ty và nhà đầu tư quy mô lớn chiếm đất. Như theo nghiên cứu từ The Conversation, đã có tới 94% đất công và khu định cư nông thôn chưa được chỉ định vào năm 2014 được phân loại lại là hợp pháp để chiếm đoạt vào năm 2017. Ước tính rằng có tới 32% “rừng công cộng không được chỉ định” của Brazil đã bị thu hồi để sử dụng cho mục đích cá nhân như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Chính vì thế, nhiều người dân và cộng đồng nông thôn trên khắp Brazil đã bị tước quyền tiếp cận đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác. Điều này khiến hàng loạt diện tích rừng bị chiếm dụng, huỷ hoại môi trường sống, gia tăng sự di dời dân cư.
Tuy nhiên, chính phủ Brazil hiện tại đã tuyên bố sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu không phá rừng. Định hướng bao gồm các kế hoạch phát triển thỏa thuận bảo tồn với chính phủ Indonesia và Congo.
Đâu là cách giải quyết vấn đề bền vững trong sản xuất cà phê tại Amazon?
Nạn phá rừng tăng đột biến song song với sự phát triển của các đồn điền cà phê tại Amazon. Cho đến những năm 2000, việc triển khai các hệ thống nông lâm kết hợp đã giúp giảm nạn phá rừng do cà phê ở Brazil. Như vào năm 2012, các vùng trồng cà phê nông lâm kết hợp quy mô nhỏ ở Aquí, Rondonia đã góp phần phục hồi đất và màu xanh của những khu rừng bị tàn phá. Hệ thống này có nhiều loại cây đa dạng có giá trị sinh thái và thương mại cao như gỗ gụ, acai-berry, quả hạch Brazil, andiroba và copaiba. Cây cà phê được trồng dưới bóng râm của những loại thực vật này đồng thời tuân theo các quy trình sinh thái nông nghiệp (không sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu). Ngoài ra, Brazil còn có các chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu của Brazil (2009), Kế hoạch quốc gia nhằm giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng ở Amazon (2004) và Cerrado (2010), và Luật Rừng Đại Tây Dương (Luật 11.428, 2006) cũng giúp kiểm soát nạn phá rừng.
Tuy nhiên, nạn phá rừng do cà phê vẫn tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Nguyên nhân có thể do việc thực hiện giám sát các chính sách gặp nhiều khó khăn. Nông dân trồng cà phê tại Amazon hầu hết là các nông hộ có quy mô nhỏ nên không thể đảm bảo duy trì “rừng cà phê” lâu dài nếu thiếu sự hỗ trợ tài chính và đảm bảo nguồn cung – cầu ổn định.
Có thể thấy, hệ thống cà phê nông lâm kết hợp có tiềm năng lớn trong việc cải thiện nạn phá rừng và duy trì tính bền vững của môi trường tại Amazon. Để mở rộng và thu hút sự tham gia của nông hộ tại đây cần sự vào cuộc của các bên liên quan và ủng hộ của người tiêu dùng. Như việc tạo ra các chính sách nhằm hỗ trợ các hệ thống Nông lâm kết hợp và quan hệ đối tác có đạo đức giữa nông dân Nông lâm kết hợp với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ có thể giúp nâng cao thành công của hệ thống này. Là người tiêu dùng, bạn có thể sử dụng các hạt cà phê đặc sản bền vững tại XLIII Coffee – Thương hiệu phát triển từ tiền thân 43 Factory Coffee Roaster để tiếp thêm động lực cho những nông hộ đang phát triển theo con đường bền vững,
Đừng quên theo dõi kênh tin tức của chúng tôi để cập nhật các thông tin hữu ích nhé!
Nguồn thông tin được tổng hợp từ: commoditytrading.guru, sosma.org.br và perfectdailygrind.
Bài viết liên quan:
– Vị đắng của cà phê không xấu như bạn tưởng
– Nghiên cứu cho thấy người trung niên uống cà phê có sức khỏe tốt hơn khi về già