Cách giúp cà phê nhân xanh không bị nhiễm bẩn trong quá trình bảo quản
– PROTECT THE ORIGIN –
Cà phê nhân xanh hay còn gọi là cà phê tươi thu được sau quá trình sơ chế. Nếu không được bảo quản đúng cách, chúng rất dễ bị nhiễm bẩn, chứa các độc tố gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và an toàn của người sử dụng. Bạn có tò mò nguyên nhân và cách bảo vệ cà phê nhân xanh ngăn ngừa các rủi ro bị nhiễm bẩn không? Hãy cùng 43 Factory Coffee Roaster tìm hiểu ngay nhé!
Cà phê nhân xanh bị nhiễm bẩn là gì?
Theo Stephane Cuchet – nhà đồng sở hữu công ty cung cấp giải pháp đóng gói cho các doanh nghiệp nông nghiệp ở Guatemala: cà phê bị nhiễm bẩn thường dùng để chỉ những hạt cà phê bị biến đổi chất, hỏng hoặc chứa các chất độc hại có thể gây nguy hiểm với người sử dụng do những yếu tố bên ngoài gây nên. Những tác nhân này có thể là nấm mốc, ẩm ướt, mùi hoặc hương vị lạ và bất cứ điều gì bên ngoài môi trường có khả năng làm hư hại tới cà phê.
Cà phê nhân xanh bị nhiễm bẩn do đâu?
Có thể bạn chưa biết, cà phê nhân xanh rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Đặc biệt là khi còn tươi, những hạt cà phê này như một miếng bọt biển dễ dàng thấm hút mọi thứ xung quanh. Nếu môi trường lưu trữ có các các chất có hại (mùi, chất hóa học,…) hay một số các tác nhân khác sẽ khiến cà phê lây nhiễm các thành phần độc hại. Một số tác nhân gây nên điều này có thể kể đến:
Các sản phẩm từ dầu
Cà phê nhân có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau trong quá trình bảo quản. Một trong những nguồn ô nhiễm nguy hiểm nhất là dầu khoáng công nghiệp, vì chúng có thể gây hại cho sức khỏe của người uống cà phê. Trong kho hàng, có nhiều yếu tố không kiểm soát được. Cà phê nhân xanh có thể hấp thụ các chất độc hại từ xe nâng, dầu diesel hoặc xăng, khói xe,…Chúng cũng có thể chứa dư lượng dầu độc hại từ sự rò rỉ khi kho hàng được đặt gần các nơi có dầu hoặc các nhà kho chứa dầu.
Nấm mốc
Nấm mốc là một trong những kẻ thù đáng sợ nhất của nhiều loại nông sản trong đó có cà phê. Nấm mốc xuất hiện do các loại nấm như Aspergillus và Penicillium gây ra. Chúng được hình thành một cách tự nhiên, phát triển mạnh mẽ trong những nơi ẩm ướt, độ ẩm cao.
Nếu cà phê nhân không được đóng gói kín và tránh tiếp xúc với độ ẩm (từ không khí hay nguồn khác) thì nấm mốc sẽ có khả năng xâm nhập và phá hủy hạt. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng của cà phê mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của người uống.
Nấm mốc trong cà phê có mùi khó chịu và dễ nhận biết. Bạn chỉ cần nhìn vào hạt cà phê bị nhiễm nấm là có thể thấy được.
Động vật
Đây cũng là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới cà phê xanh. Nhiều loại động vật mang trong mình nhiều mầm bệnh. Nếu chúng chạm hoặc cắn phải có thể làm hạt bị nhiễm các vi khuẩn, vi rút ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, một số loài gặm nhấm như chuột có thể tiểu lên bao cà phê gây nên mùi khó chịu, giảm chất lượng vì cà phê nhân có khả năng hút nước, độ ẩm cao.
Ô nhiễm hóa chất
Ngoài dầu khoáng, cà phê xanh còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hóa chất khác nhau. Một số nhà sản xuất thường lưu trữ những chất hoá học (phân bón, thuốc trừ sâu,…) cùng nơi bảo bảo quản cà phê. Dù không chạm vào trực tiếp, nhưng nếu để chung một chỗ thì hạt cà phê có thể bị ám mùi, nhiễm các thành phần độc hại từ không khí hoặc rò rỉ nếu bao bì không được đóng kín, bị vỡ hay hư hại.
Bên cạnh đó, cà phê nhân xanh còn bị nhiễm hydrocacbon (một chất gây đau đầu ho, nghẹt thở, nôn mửa) khi sử dụng bao bì kém chất lượng. Theo một báo cáo của FAO, hydrocarbon có thể xuất hiện trong túi đay khi các nhà sản xuất bao bì dùng ‘dầu trộn’, dầu bẩn (như dầu động cơ cũ) để làm mềm sợi đay khi sản xuất. Khi tiếp xúc đủ lâu, hydrocacbon có trong bao bì sẽ ngấm sâu vào hạt gây ngộ độc cho người sử dụng.
Oxy
Oxy cũng là một tác nhân khiến cà phê nhân xanh bị nhiễm bẩn. Nếu để oxy tiếp xúc với cà phê nhân quá lâu, cà phê sẽ bị hư hại. Oxy sẽ làm cho cà phê nhân bị oxy hóa, mất đi mùi thơm và vị ngon. Một nghiên cứu đã nói rằng: “Cà phê nhân bảo quản lâu ngày sẽ giảm chất lượng. Cà phê nhân sẽ bị ‘nhăn nheo’ do chất hữu cơ trong hạt bị oxy hoá. Điều này sẽ khiến cà phê nhân cũng sẽ bị xỉn màu, mùi vị trở nên “cũ” (khó uống có mùi như giấy, gỗ, bánh mì khô)
Cách giúp cà phê xanh không bị nhiễm bẩn
Hầu hết nguyên nhân dẫn đến sự nhiễm bẩn của cà phê xanh là chúng không được bảo quản tốt (để gần nơi chứa hóa chất, độ ẩm cao, ẩm ướt, không sạch sẽ, có nhiều động vật gặm nhấm,…). Vậy nên để tránh nguy cơ cà phê xanh nhiễm bẩn nhà sản xuất, rang xay cần chú ý vào khâu lưu giữ bảo quản như:
– Đảm bảo nhà kho, nơi lưu trữ luôn giữ khô ráo, sạch sẽ
– Dùng pallet để chứa đựng, vận chuyển cà phê
– Không để cà phê xanh gần phân bón, thuốc trừ sâu hoặc các hóa chất khác
– Kiểm tra thường xuyên tình trạng cà phê trong kho
Ngoài những giải pháp trên, việc lựa chọn bao bì cũng rất quan trọng. Sử dụng bao bì chất lượng cao, có nhiều lớp chống thấm, chống oxy hóa, giúp cà phê hạn chế tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm như nước, dầu, hóa chất và oxi. Hơn nữa, nhiều loại bao bì hiện nay còn được làm bằng chất liệu PE cao cấp hay các hợp chất không chứa hydrocacbon có thể tái chế vừa thân thiện với môi trường vừa đảm bảo sức khoẻ cho người dùng cuối.
Đến đây chắc bạn cũng đã hiểu rõ nguyên nhân và cách giảm thiểu tình trạng nhiễm bẩn của cà phê nhân xanh rồi. Đừng quên theo dõi 43 Factory Coffee Roaster để khám phá thêm nhiều thông tin hữu ích về thế giới cà phê nhé!
Tham khảo: perfectdailygrind
Bài viết liên quan:
– Khám phá định nghĩa mới – Nông nghiệp tái tạo trong sản xuất cà phê
– Hội nghị Hiệp hội Cà phê Hawaii 2023 sắp diễn ra tại Kauai
– Cách Colombia duy trì sự nổi tiếng trong ngành cà phê thế giới