KẺ RÓT NƯỚC PHA CÀ HAY NGHỆ NHÂN CHẠM THẤU VỊ GIÁC
Các bạn đã bao giờ suy nghĩ về nghề Barista? Đấy là kẻ rót nước pha cà hay nghệ nhân chạm thấu vị giác? Định nghĩa nào mới là đúng cho nghề cà phê này đây? Cùng 43 Factory Coffee tìm hiểu chút nhé.
1. Barista – kẻ rót nước pha cà hay nghệ nhân chạm thấu vị giác?
Trước câu hỏi này, nhiều người thường tặc lưỡi: Sao phải cặn kẽ thế làm gì? Nhưng không, chúng ta phải trang bị cái nhìn đúng đắn về nghề pha chế cà phê này chứ.
Với văn hoá và tư duy từ xưa của đa số người Phương Đông, công việc mà bạn đang làm sẽ định nghĩa con người bạn, xác định vị trí bạn đang có trong xã hội và rồi, những giá trị bạn tạo nên cho cộng đồng, đôi lúc bị lãng quên đến vô tình. Một công việc ổn định, làm công ăn lương, sáng đi tối về tại một văn phòng nào đó sẽ dễ khiến bạn được coi trọng hơn, dù thực sự, người ta sẽ chẳng màng đến việc bạn làm việc có vui không, hiệu quả không, và bạn có thực sự yêu công việc mình đang làm không?
Cũng chính vì thế, Barista từ lâu luôn bị xem là công việc part time, chỉ phù hợp với học sinh, sinh viên, không có tiền đồ và chẳng cần lắm năng lực, kiến thức. Nhiều người thường nghĩ, công việc pha cà phê này không yêu cầu kỹ năng hay kiến thức nào đặc biệt, cũng không yêu cầu học vấn gì quá cao. Và rồi, họ mặc nhiên xem nhẹ cái nghề barista.
Barista? Đã ai có thể định nghĩa rõ ràng, trọn vẹn cái từ tưởng chừng như đơn giản này chưa? Hay mọi người chỉ nghĩ Barista – /bəˈrēstə/ – a person whose job involves preparing and serving different types of coffee (một người có công việc liên quan đến việc chuẩn bị và phục vụ các loại cà phê khác nhau). Ừ, có thể đúng đấy, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, cái định nghĩa ngắn gọn kia chẳng thể hàm chứa hết được tầng tầng lớp lớp khác nữa trong cái nghề đầy ý nghĩa này.
Bạn biết đấy, đôi lúc, người ta lấy tiền làm thước đo cho sự hạnh phúc. Lương cao, thưởng nhiều, công việc ổn định, mặc nhiên bạn được xem là người sung sướng, hạnh phúc. Ngược lại, bạn chỉ là kẻ bất hạnh trong mắt người khác. Và chính cái mặc định về tư duy, xem barista là công việc không có tiền đồ, chẳng mấy ổn định và lương chẳng đáng là bao, không ít người cho rằng, barista sẽ chẳng vui vẻ hạnh phúc và thành công gì cho cam.
Họ nhất định là những người có vốn kiến thức về cà phê rất sâu và rộng, họ biết rất nhiều về cà phê, hiểu được những vẻ đẹp tiềm ẩn của cà phê, phương pháp nào để bung toả vẻ đẹp đượm hương khiến khách hàng hài lòng, ưng ý và như thế nào mới là một ly cà phê đạt chất lượng. Họ hạnh phúc khi được tìm hiểu quy trình hạt cà phê được tạo ra, chế biến, pha chế, hiểu được mồ hôi nước mắt của người nông dân, sự tập trung của người rang và nỗ lực của người pha chế. Họ vui khi pha được tách cà phê ưng ý. Họ cười khi cảm nhận được chân tình của vị khách thưởng cà. Họ sống cống hiến và họ sống hết mình với đam mê của họ.
Vậy đấy, Barista đâu chỉ là một kẻ rót nước pha cà, trong thế giới cà phê, họ là những nghệ nhân chạm thấu vị giác đấy chứ.
2. Khi kẻ rót nước pha cà cũng là một nghệ nhân chạm thấu vị giác
Kẻ rót nước pha cà và nghệ nhân chạm thấu vị giác vừa nghe qua thì chỉ là 2 khái niệm khác nhau, thể hiện thái độ, sự đánh giá khác biệt, nhưng đối với tình yêu hạt cà thì chúng chỉ là một mà thôi.
Một người bạn của tôi khi được hỏi “Cà phê là gì?”, anh chỉ cười và nói rằng: “Cà phê như một phần cuộc sống của anh, như chân, như tay, như huyết mạch đang chảy trong cơ thể “. Đối với họ, cà phê cũng bình thường thôi, chỉ như một phần cơ thể. Thử nghĩ xem, nếu phần cơ thể ấy bị mất đi, đó là một sự thiếu sót đến đau lòng, là khoảng trống khó lòng hàn gắn, là vết thương mãi chẳng lành. Thế đấy! Đơn giản qua một câu nói, tôi cắt nghĩa rõ hơn về 7 chữ cái này.
Kẻ rót nước pha cà cũng là một nghệ nhân chạm thấu vị giác
“Cà phê thì có gì lạ?” Vâng, thứ thương phẩm hạng sang đó chẳng có gì lạ, nhưng sẽ chẳng ai dám tự tin nhận mình hiểu hết về cà phê. Cà phê cũng như rượu, cũng có nhiều cách chế biến, nhiều hương vị, nhiều phương pháp pha chế và cũng lắm tầng sâu hương vị. Cà phê không đơn giản chỉ là thứ thức uống chứa caffein, giúp “tỉnh táo tinh thần”, nó còn là thức quà của thiên nhiên dành cho cuộc sống, với đa sắc màu, lắm hương vị.
Tại sao Barista lại là nghệ nhân chạm thấu vị giác?
Chúng tôi trân trọng gọi Barista là nghệ nhân bởi họ đang dần lấy lại hương vị vốn có của hạt cà, định nghĩa lại tiêu chuẩn khi thưởng cà phê.
Đối với không ít người Việt Nam, cà phê đắng mới là cà phê ngon. Họ đâu biết rằng, vị đắng đặc trưng kia chỉ là cách người ta lấp liếm cái xấu, cái tệ nơi hạt cà phê kém chất lượng. Cà phê cũng là một loại trái cây, nó có hương cam, hương bưởi, hương xoài, đôi lúc lại có chút thoảng nhẹ của hương nhài… Cà phê dẫn bạn bước vào thế giới của những dải hương. Cà phê mỗi vùng lại khác. Cà Ethiopia thoảng hương hoa cỏ, trái cây tươi mới mà dịu nhẹ… Cà Kenya chua sáng mà ngân dài nơi cuống họng… Cà Colombia cân bằng, ổn định mà sâu tận tâm hồn… Rồi mỗi phương pháp rang, cách thức chế biến, chiết xuất, hương cà sẽ đậm hơn, thanh hơn trong từng ngụm bạn uống.
Hiểu và biết cách làm ly cà “đạt chuẩn” cũng cần lắm kiến thức, lắm kỹ năng cần trau dồi, rèn luyện. Những barista tôi biết, các anh, các chị – họ luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng cập nhật kiến thức, tìm tòi học hỏi khắp nơi. Cũng không ít người tiến thân chu du khắp chốn, xem điều hay, điều lạ của cà phê thế giới để nâng cao trình độ bản thân, để chia sẻ với cộng đồng cà phê Specialty đang phát triển tại Việt Nam, để hy vọng về một tương lai cà phê chất lượng. Chẳng thể nào vô tình mà nói rằng, họ chẳng có chút nỗ lực gì cho cuộc sống, chẳng có chút tiền đồ gì cho tương lai. Mục tiêu sống của những người barista đó, lớn thế mà, rộng thế mà.
Trong văn hoá của người Việt Nam, uống cà phê vốn là một thói quen khó bỏ hằng ngày. Người ta uống cà phê mỗi sáng trước khi lao vào vòng xoáy công việc bề bộn, căng thẳng ngồi trên yên xe vượt qua chặng đường dài đến công ty. Người ta uống cà phê những lúc chật vật tìm kiếm ý tưởng, tính toán doanh số hay lập kế hoạch kinh doanh. Người ta uống cà phê mỗi buổi chiều sớm, khi cơn ngái ngủ ban trưa vẫn còn, khi đầu tóc vẫn rối bù với bao suy nghĩ vẩn vơ mà chưa thể tập trung ngay vào công việc đang chất đống. Rồi người ta lại uống khi đêm buông, kết thúc chuỗi ngày dài mệt nhoài với tách cà phê nóng trên tay, ngắm nhìn thành phố đêm với bao muộn phiền còn đó. Cà phê dần trở thành một phần của cuộc sống. Nhưng mấy người hiểu giá trị của tách cà phê trên tay, mấy người cảm được cái tình mỗi ly cà phê chất chứa, và mấy người trân quý những đôi tay làm nên vị cà phê tròn đầy.
Chỉ mong sau những lời này, nhiều người sẽ hiểu hơn về công việc thầm lặng mà ý nghĩa vô cùng – Barista.
Hãy thử ghé đến 43 Factory Coffee thưởng thức hương vị Specialty Coffee – thứ hương vị mà các Barista luôn cố gắng để gìn giữ và chạm vào.