CÀ PHÊ THỦ CÔNG CÓ PHẢI CÀ PHÊ SPECIALTY?
SỰ KHÁC BIỆT TỪ TRONG CỐT LÕI
Niềm thắc mắc “cà phê thủ công có phải cà phê Specialty” liệu đã từng khiến bạn đôi lần bối rối? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần hiểu rõ những giá trị cốt lõi bên trong của mỗi hạt cà phê Specialty. Những giá trị thật giản đơn nhưng luôn tinh tế và đầy nội lực.
CÀ PHÊ SPECIALTY KHÔNG PHẢI LÀ CÀ PHÊ THỦ CÔNG
Khi bạn tra từ “thủ công” trong từ điển, nó sẽ giải nghĩa về một thứ gì đó được khéo léo thực hiện bằng tay. Khi nghe cụm từ “nghề thủ công”, ta sẽ nghĩ về một nghệ nhân có tay nghề điêu luyện. Giống như một thợ gốm có thể biến đất sét thành đồ gốm tuyệt đẹp. Hoặc người thợ mộc có thể khắc nên những đồ gỗ điệu nghệ làm từ những cây sồi. Tuy nhiên, bất chấp thuật ngữ này phổ biến như thế nào, “cà phê thủ công” không được những người làm việc trong lĩnh vực cà phê Specialty đón nhận như một thuật ngữ.
Chắc chắn, chúng ta không thể phủ nhận rằng có rất nhiều kỹ năng và nỗ lực liên quan đến các bước sản xuất cà phê. Nhưng với cà phê Specialty, một thợ thủ công dù lành nghề đến đâu cũng không thể chuyển hóa những hạt cà lệch chuẩn trở thành một tách Specialty nguyên bản. Vị chua ngọt nhẹ dịu hay hương thơm thấm đẫm trong những tách Specialty, trước hết đến từ chính chất lượng của hạt cà. Việc cà phê Specialty đang bị hiểu sai có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng những người đang nỗ lực cho ra những hạt cà chất lượng nhất.
Máy rang cà phê không thể biến hạt cà phê xanh bình thường thành cà phê Specialty một cách kỳ diệu. Điều tiên quyết là chúng ta phải có một sản phẩm xuất sắc, thì mới có cơ hội cho ra một thành quả vượt trội. Giống một đầu bếp không thể biến miếng thịt cũ kém chất lượng thành một món bít tết ngon lành. Tất nhiên chúng ta chưa kể đến những thủ thuật ranh mãnh hòng che đậy khuyết điểm sản phẩm. Nhưng riêng với cà phê Specialty, nơi sự nguyên bản lên ngôi, thì không bao giờ có chỗ cho những lấp liếm ấy.
TẦM VÓC ĐÍCH THỰC CỦA CÀ PHÊ SPECIALTY
Erna Knutsen lần đầu tiên khẳng định cà phê Specialty là một loại cà phê phát triển “trong các vùng vi khí hậu cụ thể”. Kể từ đó, Hiệp hội Cà phê Specialty đã thu hẹp nó xuống giống cà phê đạt ít nhất 80 trên thang điểm 100, cùng hàng loạt tiêu chí về chất lượng cốt lõi có trong từng hạt cà. Cả hai định nghĩa này đều nhấn mạnh vào chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, mà ít tập trung vào việc tinh chế và biến đổi nó. Bởi để có được những thuộc tính tuyệt hảo, cà phê Specialty phải đi một con đường chuẩn mực và nghiêm ngặt. Mỗi điểm dừng trên cuộc hành trình ấy đều quan trọng và phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là một đôi tay lành nghề.
Cà phê Specialty đi cùng với công nghệ và ngày càng cần được áp dụng nhiều kiến thức hơn. Nó được phát triển từ toán học và khoa học, rồi nhân lên bằng các kỹ năng cảm nhận, chứ không phải là một nghề thủ công đơn thuần. Từ trồng trọt đến phục vụ, ở mọi giai đoạn, nhu cầu thiết yếu của cà phê đặc sản thách thức thế giới công nghệ. Con người ngày càng phát triển nhiều thiết bị cung cấp cho các nhà sản xuất, rang xay, barista làm việc chính xác và chuyên nghiệp hơn.
Để tiếp cận cà phê Specialty đích thực đòi hỏi một tâm hồn cởi mở và tinh thần học hỏi liên tục. Cùng với đó là sự nhạy bén triển khai nhanh chóng những gì được tìm ra. Cà phê đặc sản là thứ tôn trọng sự cống hiến của nghệ nhân đối với sản phẩm, nhưng luôn tự hào về vẻ đẹp cốt lõi đã sẵn có bên trong. Nó khác xa với cách làm truyền thống, khi cà phê chỉ được thu hái đại trà, sấy khô, rang xay và tiêu thụ mà không cần suy nghĩ gì thêm.
43 Factory Coffee Roaster tin rằng, trả lời chính xác câu hỏi “cà phê thủ công có phải cà phê Specialty” cũng là một cách văn minh để giữ gìn những giá trị nguyên bản trân quý của mỗi tách cà phê Specialty. Để từ đó ta có thể đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển của chuỗi cung ứng và nâng tầm văn hóa thưởng thức của cộng đồng.