PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ BỀN VỮNG
PHẦN 1
THẾ GIỚI CÀ PHÊ NHỮNG NGÀY ĐƯƠNG ĐẠI
Bền vững là một khái niệm thông dụng trong những năm gần đây, được vận dụng trong mọi quá trình phát triển và hoạt động của bất kỳ một tổ chức nào, ở quy mô vĩ mô lẫn vi mô. Nhưng để đạt được sự bền vững, phải giải quyết những mâu thuẫn giữa nhiều lợi ích: lợi ích kinh tế, môi trường, sức khỏe toàn dân. Với việc phát triển cà phê cũng vậy, đa dạng hệ sinh thái và đời sống của người nông dân chính là một trong nhiều vấn đề của phát triển cà phê bền vững.
Khi nói về “bền vững”, chúng ta thường xem xét trên 3 yếu tố gốc: con người, hành tinh và lợi ích. Biến đổi khí hậu, giá cà phê trung bình là những chủ đề nóng trong tệp tài liệu phát triển bền vững của thế giới đương đại. Hiệp ước quốc tế về cà phê năm 1962 từng bàn luận về việc giảm sản lượng dư thừa nhằm ổn định kinh tế. Như vậy, từ lâu, ở tầm nhìn của những nhà lãnh đạo, cà phê và giá cả thật sự cần được chú trọng, quan tâm ở mức độ nhất định, nhằm kích cầu sự phát triển bền vững.
Ngành công nghiệp cà phê ở những nước phát triển được nhận định là đang trên đà thịnh vượng và đi lên tất yếu. Tuy nhiên, dù cho ngành kinh doanh cà phê đang bùng nổ nhưng nhiều lần giá cà phê chạm đáy vẫn đặt ra những rào cản cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào cà phê, đặc biệt là cả những người nông dân.
Những năm cuối của thế kỷ 20, xuất khẩu cà phê (FOB) của các nước sản xuất là 10-12 tỷ USD, và tổng giá trị bán lẻ ở các nước công nghiệp vào khoảng 30 tỷ USD. Nhưng những người trồng cà phê chỉ nhận được một phần nhỏ trong số đó.
Sản lượng cà phê thế giới dự kiến giai đoạn 2019-2020 thấp hơn 5,3 triệu bao (60kg/bao) so với năm trước, xuống còn 169,3 triệu bao, chủ yếu do sự thiếu hụt nguồn cung từ Brazil bởi quá trình tái sản xuất của cây arabica. Xuất khẩu thế giới dự kiến giảm 4,7 triệu bao, còn 115,4 triệu bao, do giảm thiểu các lô hàng từ Brazil và Honduras. Với dự báo tiêu thụ toàn cầu ở mức kỷ lục 166,4 triệu bao, hàng tồn kho cuối cùng dự kiến sẽ giảm 400.000 bao xuống còn 35,0 triệu bao. Giá cà phê giảm xuống 0,93 USD mỗi pound vào tháng 5 năm 2019, (theo chỉ số giá tổng hợp hàng tháng của Tổ chức Cà phê Quốc tế – ICO), mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2006. Nhưng lại tăng 15% lên mức 1,07 USD vào tháng 11 năm 2019 khi nguồn cung bị thắt chặt. (Theo Cà phê: Thị trường và thương mại thế giới – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài tháng 12 năm 2019).
Cà phê là một mặt hàng nông sản cực kỳ quan trọng, được sản xuất tại hơn 70 quốc gia, với ước tính 125 triệu sinh kế ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á. Vì cà phê là cây trồng lâu năm nên không dễ để chuyển sang một loại cây thay thế mặc dù mức giá hiện nay thậm chí không bào gồm chi phí sản xuất. Trong nhiều trường hợp, tác động của giá thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, giá cà phê thấp và giữ nguyên đà giảm mang đến nhiều hệ quả không ngờ:
– Công nghệ ngày càng phát triển giúp giảm chi phí sản xuất, cộng thêm tình hình tỉ giá tiền tệ biến động đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi nhuận từ sản lượng cà phê được bán ra nước ngoài quá thấp, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế nội địa. Người dân với nguồn thu nhập ít ỏi vẫn có thể duy trì cuộc sống, nhưng để đảm bảo trong thời gian dài là không thể, họ buộc phải cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh đó, khi công nghệ đang dần thay thế con người trong quá trình sản xuất, tỉ lệ thất nghiệp cũng vì thế mà tăng lên rõ rệt. Tình hình này đang diễn ra tại Brazil – nước sản xuất cà phê số 01 thế giới.
– Tại nhiều nước Châu Phi và một số nước Châu Á, cà phê được xem là sản phẩm chủ lực – loại cây trồng kinh tế được đầu tư trọng điểm. Chính điều đó khiến nguồn lực cho y tế, truyền thông và giáo dục bị hạn chế phần nhiều.
– Nhiều nơi, nông dân phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu nhập từ cà phê, không ít người dùng khoản thu nhập này để chi trả nợ nần, trang trải cuộc sống. Giá cà phê giảm, đời sống người dân cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn, các khoản nợ chồng chất dần biến thành gánh nặng khó mà xử lý, trang trại trồng trọt lúc bấy giờ chính là nguồn cứu nguy duy nhất. Nông dân buộc phải hoặc là bán đất trả nợ, hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Ở Việt Nam, thậm chí còn có báo cáo về tình hình người nông dân bán tài sản để hoàn nợ cho người vay. Ở Guatemala, mùa vụ đầu năm 2001, lực lượng lao động cho hoạt động thu hoạch cà phê giảm từ 500.000 người xuống còn 250.000 người. Tại Colombia, số lượng đồn điền cacao xuất hiện ngày càng nhiều trong các khu vực canh tác cà phê. Không ít nông dân trồng cà phê từ Mexico đã bỏ mạng hoặc lưu lạc khắp nơi khi cố gắng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ sau khi phải từ bỏ những trang trại cằn cỗi nơi quê nhà. Nông dân Ấn Độ khi không thể trả hết nợ, buộc phải chọn cái chết..
Tổ chức cà phê thế giới nhận định chính khủng hoảng giá cà phê là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo và tình trạng di cư ở các nước trồng cà phê, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chuỗi cà phê bền vững trên toàn thế giới.
MỐI ĐE DỌA CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tổ chức Cà phê Quốc tế (The International Coffee Organization – ICO) được thành lập để thực hiện Thỏa thuận Cà phê Quốc tế (The International Coffee Agreement) với mục tiêu hàng đầu là khuyến khích các thành viên trong tổ chức phát triển nền kinh tế cà phê bền vững ở cả ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Tình hình di cư và đói nghèo gia tăng đang đặt ra những mối đe doạ thực tế và rộng khắp cho sự phát triển bền vững.
Theo Global Development Finance 2019, báo cáo hàng năm của Ngân hàng Thế giới về tài chính đối ngoại của các nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng ở nhiều nước nghèo vẫn quá thấp để nhanh chóng cải thiện tình trạng nghèo đói. “Tốc độ tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp dự kiến sẽ tăng lên 6% vào năm 2020 từ mức 5,4% vào năm 2019, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để giảm đáng kể tình trạng nghèo đói”. Theo báo cáo, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa như cà phê đã được đánh giá đặc biệt khó giảm nghèo.
HẬU QUẢ CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG
Mặc dù người tiêu dùng có thể được hưởng lợi từ giá thấp nhưng điều này không hoàn toàn đúng với cà phê, nó sẽ không kéo dài. Thứ nhất, số tiền tích luỹ cho người nông dân từ giá bán lẻ của một tách cà phê tại quán có lẽ ít hơn 1%. Thứ hai, giá quá thấp khiến chất lượng sản phẩm giảm đi trông thấy. Người dân khó lòng làm việc và cải thiện chất lượng sản phẩm khi giá bán đôi khi còn chưa bằng chi phí sản xuất. Ngoài ra, việc sản xuất cà phê arbica với chất lượng vượt trội luôn tốn nhiều nguồn lực hơn so với arbica tự nhiên hay robusta. Vậy điều gì sẽ thúc đẩy người nông dân làm việc hết mình? Và rồi phải chăng người tiêu dùng chính sẽ là người nhận được ít giá trị hơn?
PHẦN 1: THẾ GIỚI CÀ PHÊ NHỮNG NGÀY ĐƯƠNG ĐẠI
PHẦN 2: THÚC ĐẨY TÍNH BỀN VỮNG TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ