Rủi ro của cà phê Arabica trước sự nóng lên toàn cầu
– PROTECT THE ORIGIN –
Cà phê sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trước tình hình biến đổi khí hậu – nóng lên toàn cầu hiện nay mặc dù các cam kết giảm khí thải đã được đáp ứng theo các tuyên bố. Theo một nghiên cứu mới nhất, sản lượng cà phê có xu hướng giảm nhanh chóng ở các quốc gia chiếm 75% nguồn cung cà phê Arabica của thế giới.
Cà phê Arabica (Coffea arabica) là loài cây này phát triển ở vùng nhiệt đới có độ cao lớn và rất nhạy cảm với những thay đổi của khí hậu.
Nghiên cứu cho thấy khoảng chênh lệch giữa ngưỡng nóng lên toàn cầu và ngưỡng nhiệt sản xuất cà phê ngày càng giảm mạnh. Nếu có cơ chế quản lý để cân đối và giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 2℃ trong thế kỷ này thì các nhà sản xuất và cung ứng cà phê Arabica trên toàn cầu sẽ có thêm thời gian để thích nghi. Trường hợp xấu, năng suất cà phê Arabica có thể sụt giảm mạnh, nguồn cung bị gián đoạn và giá cà phê sẽ tăng vọt một cách khó lường.
Nguồn cà phê Arabica
Hầu hết cà phê Arabica được trồng ở vùng nhiệt đới, trên khắp Châu Mỹ Latinh, Trung và Đông Phi và một phần Châu Á. Brazil, Colombia và Ethiopia là ba nhà sản xuất cà phê Arabica hàng đầu thế giới và loại cây trồng này cũng có tầm quan trọng kinh tế – xã hội quan trọng ở những nơi khác.
Sinh kế của hàng triệu nông dân, chủ yếu ở các nước đang phát triển, phụ thuộc vào năng suất cà phê Arabica. Nếu năng suất cà phê giảm, hậu quả kinh tế đối với nông dân là vô cùng nghiêm trọng.
Cà phê Arabica thường cho năng suất cao nhất ở các vùng nhiệt đới có độ cao mát mẻ với nhiệt độ địa phương hàng năm vào khoảng 18-23℃. Nhiệt độ cao hơn và điều kiện khí hậu khô nóng hơn luôn dẫn đến sự sụt giảm về năng suất.
Điển hình như năm ngoái, một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil đã khiến sản lượng cà phê ở nước này giảm khoảng 1/3 , kéo theo đó là giá cà phê toàn cầu tăng vọt.
Những yếu tố tác động đến năng suất cà phê Arabica
Bên cạnh nhiệt độ và lượng mưa, mức độ khô nóng của không khí cũng là yếu tố tác động lớn đến năng suất cà phê. Mức độ khô nóng là chỉ số hiệu quả để đánh giá, thông qua phương pháp “Thâm hụt áp suất hơi”.
Sự thiếu hụt áp suất hơi cho ta biết lượng nước bị hút ra khỏi cây. Các nhà nghiên cứu đã xây dựng các mô hình khoa học dựa trên dữ liệu khí hậu được liên kết với dữ liệu về năng suất cà phê trong nhiều thập kỷ tại các quốc gia sản xuất cà phê Arabica quan trọng nhất.Theo đó, có thể nhận thấy một khi thâm hụt áp suất hơi đạt đến điểm tới hạn, thì năng suất cà phê Arabica giảm mạnh.
Điểm tới hạn này ở khoảng 0,82 kilopascal (một đơn vị áp suất, được tính từ nhiệt độ và độ ẩm). Sau thời điểm này, năng suất cà phê Arabica bắt đầu giảm nhanh – mất khoảng 400 kg/ha, thấp hơn 50% so với mức trung bình toàn cầu trong dài hạn.
Hiện nay, ngưỡng thâm hụt áp suất hơi đã bị vượt quá ở Kenya, Mexico và Tanzania.
Sự nóng lên toàn cầu không suy giảm sẽ khiến các cường quốc sản xuất cà phê trên thế giới gặp nhiều rủi ro. Nếu nhiệt độ nóng lên toàn cầu tăng từ 2℃ lên 3℃, thì Peru, Honduras, Venezuela, Ethiopia, Nicaragua, Colombia và Brazil – cùng chiếm 81% nguồn cung toàn cầu – có nhiều khả năng vượt qua ngưỡng thâm hụt áp suất hơi.
Đảm bảo năng suất cà phê Arabica
Mặc dù có nhiều cách để nông dân và ngành cà phê có thể thích ứng, nhưng tính khả thi của việc áp dụng những điều này trên quy mô toàn cầu là rất khó chắc chắn.
Ví dụ, tưới cây cà phê có thể là một lựa chọn, nhưng điều này tốn kém chi phí trong khi nhiều nông dân trồng cà phê ở các nước đang phát triển vẫn đang sống trong điều kiện sinh kế eo hẹp. Hơn nữa, phương án này có thể không phải lúc nào cũng hiệu quả vì sự thiếu hụt áp suất hơi cao vẫn có thể gây ra thiệt hại, ngay cả trong điều kiện có nhiều nước.
Một lựa chọn khác có thể là chuyển sang các loài cà phê khác. Nhưng một lần nữa, điều này là chưa đủ. Có thể xem qua, cà phê vối (Coffea canephora) – loại cà phê sản xuất chính khác – cũng nhạy cảm với sự gia tăng nhiệt độ. Các loại khác, chẳng hạn như Coffea stenophylla và Coffea liberica có thể được thử nghiệm, nhưng khả năng sản xuất ở quy mô lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu vẫn chưa được xác nhận.
Hạn chế sự nóng lên toàn cầu theo Thỏa thuận Paris là lựa chọn tốt nhất hiện nay để đảm bảo năng suất cà phê Arabica cung ứng cho toàn cầu. Quan trọng hơn, duy trì sự nóng lên toàn cầu dưới 2℃/thế kỷ là cách tốt nhất để đảm bảo hàng triệu nông dân dễ bị tổn thương có một sinh kế ổn định cho hiện tại và tương lai.
Theo dõi 43 Factory Coffee Roaster để cập nhật các thông tin cà phê mới nhất nhé!
Bài viết liên quan:
– So sánh ba phương pháp sơ chế cà phê