Lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng nhảy vọt
– TASTE THE ORIGIN –
Nguyên nhân nào khiến giá cà phê tăng nhảy vọt trong tuần qua? Thời gian qua chúng ta được chứng kiến cảnh giá cà phê leo thang, liên tục vượt hết đỉnh này đến đỉnh khác và lập ra kỷ lục khó tin trong cả chục năm. Mặc dù giá cà phê quốc tế trên hai sàn có lên xuống theo từng tuần nhưng cà phê nội địa vẫn vững đà tăng, thậm chí là tăng phi mã. Lý do là gì?
Giá cà phê và những bước tăng phi mã
Sau khi khiến nhiều hộ nông dân bất lực phá bỏ cà phê trồng thêm các loại cây nông sản khác để cải thiện thu nhập thì nay giá cà phê bất ngờ quay ngoắt, tăng trưởng mạnh mẽ, giữ vững đà tăng dù cà phê quốc tế lên xuống thất thường. Giá cà phê nội địa ghi nhận những cột mốc sáng chói, cụ thể, ngày 12/3 giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên được ghi nhận ở mức 90.500 – 91.500 đồng/kg. Mức giá trên 90.000 đồng/kg đã được duy trì hơn 1 tuần nay. Như vậy, giá cá phê đã tăng gấp 2 lần so với 1 năm trước, tăng 50% so với cuối năm 2023.
Ngược lại với sức tăng của Robusta nội địa, trên sàn London gần đây, giá cà phê Robusta đã mất đà tăng. Giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn giao tháng 5 cũng ở mức 3.297 USD/tấn, thấp hơn mức giá ngày 8-3 là 84 USD/tấn.
Giá cà phê nội địa tăng cao liên tục trong nhiều tuần
Lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng vọt
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), có 3 nguyên nhân khiến giá cà phê tăng nhanh và mạnh như hiện nay.
Một là do khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng. Hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Có thể vụ vừa qua, cà phê không bị mất mùa nhiều nhưng các nhà mua hàng lo lắng cho những vụ cà phê tới. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.
Hai là chi phí vận chuyển tăng cao do các cuộc xung đột quân sự. Các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao.
Ba là nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.
Giá cà phê nội địa đang có những bước đi khó đoán. Thông thường sau vài phiên giá cà phê trên sàn giảm thì sẽ tác động đến giá cà phê nội địa. Tuy nhiên khi giá cà phê trên sàn ở mức thấp thì giá cà phê trong nước vẫn ổn định ở mức cao. Không có chuyên gia cà phê nào có thể dự đoán giá cà phê trong nước có thể lên đến 92.000 đồng/kg như hiện nay.
Trên đây là 3 nguyên nhân theo đánh giá của các chuyên gia là động lực thúc đẩy giá cà phê Việt Nam tăng nhanh chóng, đạt đỉnh cao trong chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, có một điều tương đối chắc chắn là giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên.
Theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác!