Canh tác cà phê hoang dã có ý nghĩa như thế nào đối với ngành cà phê?
– TASTE THE ORIGIN –
Canh tác cà phê hoang dã không phải là một phương pháp mới lạ mà nó đã có từ hàng thiên niên kỷ trước. Mặc dù cà phê mọc hoang không có giá trị kinh tế cao như các loại cà phê được chăm sóc chuyên biệt tại các đồn điền lớn nhưng chúng vẫn rất được các chuyên gia, nhà sản xuất lớn và người tiêu dùng ưa chuộng. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tăng sự đa dạng di truyền có giá trị quan trọng đối với ngành cà phê. Bạn đã nghe qua phương thức canh tác cà phê hoang dã này chưa? Hãy cùng 43 Factory Coffee Roaster tìm hiểu nhé!
Canh tác cà phê hoang dã là gì?
Canh tác cà phê hoang dã là phương thức sản xuất để cà phê phát triển tự nhiên mà không có sự can thiệp của con người. Nông dân sẽ tìm kiếm những cây cà phê mọc dại, chờ đợi chúng ra hoa, kết hạt, chín đỏ. Họ sẽ không tác động trực tiếp lên quá trình trưởng thành của cây mà chỉ thu lượm khi những quả cà phê tự động rơi xuống hoặc hái thủ công khi chúng đã chín hoàn toàn.
Cà phê dại có rất nhiều loài khác nhau. Ngoài hai loài phổ biến nhất là arabica và robusta thì còn có hơn 100 loài cà phê khác. Bạn có thể tìm thấy cà phê mọc dại ở một số quốc gia dọc theo Vành đai cà phê như Châu Phi, Madagascar và một số khu vực Châu Á.
Canh tác cà phê hoang dã có ý nghĩa như thế nào đối với ngành cà phê?
Theo các nhận định của nhiều chuyên gia và nhà sản xuất cà phê quy mô lớn, việc canh tác cà phê hoang dã có tầm quan trọng với sự bền vững của toàn ngành.
Canh tác cà phê hoang dã giúp hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu đối với ngành cà phê
Ngành cà phê đang phải đối mặt với những thách thức lớn do biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của các chuyên gia từ Đại học Humboldt (Berlin) và Trung Tâm Nông Nghiệp Nhiệt Đới (CIAT), biến đổi khí hậu có thể làm giảm 50% diện tích đất trồng cà phê trên toàn thế giới vào năm 2050. Nhiều vùng trồng cà phê ở Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia sẽ không còn phù hợp để sản xuất cà phê chất lượng cao. Nếu không tìm ra loại cà phê có thể thích ứng với điều kiện môi trường ngặt nghèo hiện tại, sản lượng cà phê sụt giảm nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của ngành cà phê và thu nhập của hàng triệu nông dân.
Để giải khắc phục tình trạng trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu, tìm kiếm giữa hàng nghìn giống cây và phát hiện các gốc cà phê hoang dã sở hữu những đặc điểm di truyền đặc biệt cho phép thích nghi nhanh chóng với những thay đổi của môi trường. Đặc biệt, những giống cà phê mọc tự nhiên này có thể sống được ở những nơi khắc nghiệt hơn và chịu được sự biến đổi của khí hậu. Vì thế, chúng đã được các nhà khoa học lựa chọn, nhân giống, cải tiến để tạo ra những giống cà phê mới có chất lượng cao, chống chịu khí hậu và sâu bệnh ưu việt. Ví dụ như racemosa (một giống cà phê mọc hoang) đã được các chuyên gia tìm thấy và đang được xem xét các khu vực thích hợp để mở rộng quy mô trồng trọt. Nếu thành công, việc canh tác cà phê hoang dã racemosa có thể là một nguồn cung lớn trong tương lai giúp cải thiện tình trạng giảm sản lượng do biển đổi khí hậu gây nên.
Cà phê hoang dã tăng đa dạng di truyền, duy trì tương lai bền vững ngành cà phê
Theo Danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, có khoảng 60% loài cà phê sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Trong số đó, có 13 loại cà phê quý hiếm đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy cấp. Nếu tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp kịp thời, có thể vào năm 2080, cà phê sẽ không còn tồn tại trên Trái Đất.
Thế nên, các chuyên gia đã lai tạo các giống cà phê hoang dã với các loại cà phê khác để tăng cường sự đa dạng di truyền của cà phê. Các loại cà phê hoang dã không chỉ là nguồn gốc của các loài cà phê thương mại như arabica và robusta, mà còn là nguồn gen quý giá trong việc tạo các giống cà phê mới. Điều này vừa giúp tăng đa dạng sinh học vừa tăng chất lượng giống cà phê từ đó góp phần duy trì tương lai bền vững của ngành cà phê.
Có thể thấy, canh tác cà phê hoang dã có lợi ích trong nhiều khía cạnh. Chúng giúp nông dân, nhà sản xuất tiết kiệm công sức, chi phí chăm bón. Chúng còn ngăn chặn nguy cơ sụt giảm sản lượng cà phê do biến đổi khí hậu, là nguồn gen tăng đa dạng di truyền bảo vệ tương lai ngành cà phê. Bạn có tò mò hương vị của loại cà phê này không? Hãy thử các hạt Gesha hoang dã được thu hoạch trong cánh rừng già Ethiopia từ lô cà phê Chaka của Gesha Village. Những tầng hương được nuôi dưỡng hoàn toàn tự nhiên từ cội nguồn “cái nôi cà phê thế giới” này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của 43 Factory Coffee Roaster để khám phá thêm nhiều điều mới lạ về cà phê nhé!
Nguồn: perfectdailygrind
Bài viết liên quan:
– Thương hiệu 43 Factory Coffee Roaster chính thức đổi tên thành XLIII Coffee.
– Bất bình đẳng giới đối với phụ nữ trong sản xuất cà phê tại Đông Phi
– Cuộc thi “Coffees Roasted at Origin” lần thứ 9 của AVPA sắp diễn ra tại Paris