Cà phê Sơn La nỗ lực vươn xa để trở thành thương hiệu đặc sản
– TASTE THE ORIGIN –
Cà phê Sơn La nỗ lực vươn xa để trở thành thương hiệu đặc sản tại Việt Nam. Khi nhắc đến cà phê, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Tây Nguyên – thủ phủ của loại hạt đầy hương thơm này hay nghĩ đến hạt Robusta truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay cà phê Sơn La cũng đang cố gắng nâng cao chất lượng để nắm bắt cơ hội mới, đưa hạt Arabica mang đậm hương vị Tây Bắc đến với đông đảo mọi người. Điều này đồng nghĩa với việc Sơn La sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.
Cà phê Arabica Sơn La – Hạt cà phê làm nên thương hiệu
Sơn La là tỉnh trồng Arabica lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau Lâm Đồng. Arabica xuất hiện tại Sơn La từ năm 1945 và trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh. Tại Việt Nam, loại cà phê này không thực sự phổ biến như Robusta nhưng cũng đang dần chứng minh được sức hút của mình với người tiêu dùng nội địa và đang chuẩn bị vươn xa đến thị trường quốc tế.
Arabica là loại cà phê được trồng phổ biến tại Brazil và các nước Nam Mỹ. Khác với Robusta nhiều caffeine tạo nên vị đắng khi rang đậm, Arabica có tính acid cao hơn đồng thời giảm đi hàm lượng caffeine bên trong hạt. Hạt Arabica sinh trưởng ở nhiều điều kiện khác biệt nên mang đậm hương vị thiên nhiên, vùng trồng. Cùng là loại hạt đó nhưng mỗi vùng trồng chúng lại sở hữu hồ sơ hương vị riêng. Chính điều này đã tạo nên sự độc nhất và giá trị cao cho Arabica.
Arabica là sản phẩm được tỉnh Sơn La chú trọng. Nguồn ảnh: Báo VOV
Với hệ thống núi non trùng điệp, hùng vĩ, cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m. Chúng ta có thể tìm thấy hương hoa quả tươi mát cùng vị chua thanh lẫn chút đắng nhẹ trong các lô cà phê Arabica Sơn La. Qua tách cà phê sáng nhẹ, người dùng sẽ cảm nhận được thiên nhiên Sơn La bạt ngàn nhưng cũng không kém phần nên thơ.
Cà phê Sơn La và con đường nâng cao giá trị
Sơn La có nhiều hộ nông dân gắn bó với việc trồng cà phê từ sớm. Thay vì tiếp tục sản xuất manh mún, người nông dân đã bắt tay để thành lập hợp tác xã (HTX), liên kết sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quy trình thay vì hoàn toàn thủ công như trước. Theo bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Aratay Coffee Sơn La cho biết, sau khi thành lập HTX vào tháng 3/2020, 14 thành viên và hơn 300 nông hộ liên kết đã tập trung sản xuất dòng cà phê đặc sản, chất lượng cao; tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Sơn La. Từ khi HTX trồng và chế biến cà phê đặc sản, quy mô sản xuất của HTX có 7 nhà màng, các hộ vệ tinh cung cấp quả tươi thì chúng tôi cho hái quả chín 100%, nâng giá cho các hộ.
Sau khi có được sự chú trọng của tỉnh và người dân, việc trồng cà phê đã ứng dụng thành công đề án tái canh cây cà phê cũng như khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, suy nghĩ và cách làm của bà con cũng dần thay đổi theo hướng tốt hơn để bắt kịp sự phát triển chung của toàn ngành.
Cơ hội cho cà phê Sơn La
Chất lượng được nâng cao giúp cà phê Sơn La mang về nhiều cơ hội. Nguồn ảnh: Báp VOV
Với những thay đổi tích cực, cà phê Sơn La năm nay được kỳ vọng có vụ mùa bội thu, mang về lợi nhuận cao cho người dân. Ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đánh giá: “Sản phẩm Aabica của Sơn La rất tiềm năng. Không phải tự nhiên mà trong gần chục tỉnh trồng và sản xuất cà phê của cả nước, nhưng cà phê Sơn La là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trên toàn quốc. Đây là cơ hội để cà phê Sơn La khẳng định vị trí, thương hiệu của mình”.
Sau hơn 70 năm, với 20.000 ha cà phê arabica (cà phê chè), Sơn La vươn lên là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước, chiếm trên 41%; trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng trên 200.000 tấn quả tươi, giá trị trên 2.000 tỷ đồng.
Địa phương đã được công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê; 4 sản phẩm cà phê là sản phẩm OCOP. Năm 2017, cà phê Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Những khó khăn mà cà phê Sơn La phải đối mặt
Thách thức lớn nhất đối với cà phê Sơn La chính là thời tiết khắc nghiệt. Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, thách thức với Arabica, đặc biệt với Sơn La là sương muối, thì việc phát triển cây che bóng tầng cao sẽ góp phần giảm thiểu tác hại của sương muối, bù lại về mặt lâu dài có thể tạo được nguồn thu. Đặc biệt hiện nay sản xuất đang ở quy mô nông hộ, cần sắp xếp tạo nên các liên kết, mà ở đó chìa khoá của sự bền vững của cà phê Sơn La xuất phát từ cộng đồng.
Bên cạnh đó, tuy đã có sự đầu tư về quy mô, quy trình chế biến nhưng tại Sơn La vẫn còn nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu…. ảnh hưởng tới chất lượng cà phê và môi trường. Để giải quyết vấn đề này, Sơn La quyết tâm xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp để đưa các nhà máy chế biến cà phê vào cùng với một tổ hợp xử lý nước thải thì sẽ đảm bảo an toàn với môi trường. Và sẽ cương quyết giảm thiểu tối đa, cuối cùng đi đến triệt tiêu sản xuất cà phê ở cơ sở nhỏ lẻ, vì cà phê là chế biến ướt.
Hướng đi cho cà phê Sơn La
Để tăng sản lượng xuất khẩu và chinh phục các thị trường khó tính, theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cà phê Sơn La cần phải đáp ứng những quy định, tiêu chuẩn, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Giải pháp thứ nhất là phát triển cà phê bền vững, xây dựng quy trình sản xuất cà phê sạch theo các tiêu chuẩn RA, 4C, UTZ, các quy định chống phá rừng của EU. Và đầu tiên phải là giống, phải tiếp tục nghiên cứu những bộ giống cà phê tốt nhất, phù hợp với điều kiện của vùng trồng Sơn La. Tái canh những vùng trồng cà phê già cỗi, chất lượng kém, sức chống chịu với bệnh và biến đổi thời tiết… để làm sao từng bước xây dựng vùng cà phê cây non trẻ để có sức khoẻ tốt, để ra những sản phẩm cà phê tốt nhất.
Từ những hạt cà phê tốt nhất, qua bàn tay cần cù, sáng tạo của mỗi nhà nông và sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến cà phê, những sản phẩm tốt nhất, giá trị cao, mang hương vị của núi rừng Tây Bắc sẽ được tạo nên.
Song song với những điều này là xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 đã thực hiện tốt vai trò mở ra nhiều hướng đi, cơ hội mới với địa phương.
Ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai 3 chương trình liên quan trực tiếp đến xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu, trong đó có sản phẩm cà phê, như Chương trình thương hiệu quốc gia; chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại; chương trình thực hiện nghị quyết của Chính phủ về triển khai hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng… Mà sản phẩm cà phê Arabica Sơn La là một sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, hoàn toàn xứng đáng để đưa vào diện xem xét đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài; cũng rất tiềm năng để trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia”.
Trên đây, chuyên mục Tin tức vừa gửi đến bạn đọc các thông tin về con đường phát triển trong tương lai của cà phê Sơn La. Theo đó, địa phương này được kỳ vọng sẽ mang về nhiều cơ hội phát triển trên thị trường rộng lớn, khó tính hơn. Theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những điều thú vị nhé!
Tìm hiểu thêm về hạt cà phê đặc sản Arabica cao cấp tại XLIII Coffee!
Bài viết liên quan:
– Cách phục hồi cà phê sau thu hoạch hiệu quả nhất
– Giống cà phê thực sinh TR4 – Giống cây quốc gia nhiều ưu điểm nổi trội