Trải nghiệm hoàn hảo hơn cùng Hunter Subscription

Biện pháp chống hạn cho cây cà phê

– TASTE THE ORIGIN –

Chống hạn cho cây cà phê trở thành đề tài “nóng sốt” trong bối cảnh khí hậu biến đổi thất thường như hiện nay. Theo dự báo, hạn hán trong mùa khô năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, đe dọa đến nguồn sản lượng vốn đã thấp. Người nông dân đã tận dụng hết mọi nguồn nước để giải quyết tình trạng này, nâng cao sản lượng cho vụ mùa cuối năm. 

 

Hạn hán ảnh hưởng cây cà phê như thế nào?

 

Cà phê là cây cần lượng nước dồi dào để đơm bông, kết trái, nuôi cây. Khi gặp tình trạng hạn hán chúng sẽ không thể phát triển gây nên nhiều thiệt hại cho người nông dân.

Khó ổn định diện tích canh tác

Việc thiếu nước tưới sẽ làm giảm năng suất cà phê từ 30 – 70%, đặc biệt là ở các vùng núi, đồi cao, hàng ngàn hecta cây cà phê đã chết khô làm người dân phải chặt bỏ. Tình hình này kéo dài sẽ khiến nông dân “nguội lòng”, phá bỏ diện tích trồng cà phê. Tuy nhiên khi sản lượng giảm lại dẫn đến sự gia tăng về giá, nhiều hộ lại quay về phục hồi diện tích. Chính điều này đã gây nên sự không ổn định trong diện tích canh tác cà phê.

Năng suất, sản lượng cây cà phê giảm

Không chỉ lượng nước, các biến động về yếu tố nhiệt ẩm, thời tiết khác trong các kỳ hạn hán đã làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng. Trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển, cây cà phê cần nhiều nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây, nếu không thể đáp ứng điều này quả cà phê sẽ bị khô, rụng hoặc thân nhỏ khiến người nông dân không thể thu các mẻ cà phê như ý.

Tăng nguy cơ dịch bệnh

Sự thay đổi của yếu tố thời tiết có xu hướng nóng lên làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo. Những năm có chỉ số khô hạn cao thì sâu bệnh hại phát triển thành dịch. Cụ thể: Năm 2003, tỉnh Đăk Lăk xuất hiện dịch rệp sáp hại cà phê; năm 2004 nhiều địa bàn trên toản tỉnh xuất hiện bệnh vàng lá;…

Làm tăng kinh phí đầu tư trong sản xuất

Để ứng phó với tình trạng hạn hán, người nông dân phải bỏ nhiều kinh khí vào việc canh tác, sản xuất. Trong đó bao gồm các chi phí: Bón thêm phân, đạm, kali; đầu tư kỹ thuật cho hoạt động tưới tiêu; chi phí cho vật liệu chống hạn;… 

Năm nay, bà con tại tỉnh Lâm Đồng cũng phải bỏ một nguồn vốn kha khá cho việc sản xuất cà phê. Người nông dân chia sẻ: “Trung bình mỗi ha cà phê, bà con chúng tôi phải tưới từ 20 – 30 tiếng đồng hồ mới xong 1 ha. Nếu những hộ có vườn gần suối chủ động được nguồn nước và có đầy đủ phương tiện thì chỉ mất từ 2 – 3 triệu đồng tiền dầu/ha. Nhưng những hộ vườn xa suối, lại phải thuê máy bơm như gia đình tôi thì chi phí bỏ ra như gia đình phải đến 8 – 10 triệu đồng mới đảm bảo cung cấp đủ nước cho 1 ha cà phê trong giai đoạn giữ trái. Nhưng nếu không tưới kịp thời, cà phê sẽ khô bông và chắc chắn năm này sẽ ảnh hưởng tới năng suất”.

Biện pháp chống hạn cho cây cà phê

Hạn hán khiến người nông dân chịu thiệt hại nặng nề

 

Biện pháp chống hạn cho cây cà phê

 

Để giảm thiểu, hạn chế các thiệt hại do hạn hán gây nên, người nông dân và các cấp chính quyền cần chú ý đến biện pháp chống hạn cho cây cà phê, gồm các biện pháp trước mắt và biện pháp lâu dài.

 

Biện pháp chống hạn cho cây cà phê lâu dài

 

– Chủ động đào ao trữ nước; không trồng cà phê, hồ tiêu nơi không có nguồn nước tưới;

– Áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa), tưới luân phiên, đúng thời điểm, vừa đủ nước;

– Kết hợp bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón;

– Tăng cường hệ thống cây che bóng, đai rừng phòng hộ, trồng cây che phủ đất, trồng xen cây ăn quả phù hợp cho cà phê. Đối với cây hồ tiêu nên trồng choái sống;

– Tủ gốc bằng lá khô, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp (lưu ý công tác phòng chống cháy);

– Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất;

– Bón phân vô cơ cân đối, sử dụng các loại phân bón lá có khả năng nâng cao tính chịu hạn;

– Tỉa bớt cành nhánh nhằm hạn chế thoát hơi nước;

– Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trong điều kiện khô hạn;

– Theo dõi dự báo thời tiết nông nghiệp để có biện pháp ứng phó kịp thời.

 

Biện pháp chống hạn cho cây cà phê trước mắt

 

– Tăng cường tủ gốc cho cây để giữ ẩm, hạn chế bốc hơi nước;

– Áp dụng tưới nước tiết kiệm: tưới gốc 250 – 300 lít/gốc, hoặc tưới nhỏ giọt 150 – 200 lít/gốc, chu kỳ 20 – 25 ngày tưới 1 lần;

– Sử dụng các loại phân bón lá chứa kẽm (Zn), bo (B) và Cl- hoặc NUCAFE từ 2 – 3 lần trong mùa khô để nâng cao khả năng chịu hạn, hạn chế rụng quả.

 

Cách khắc phục khi cây cà phê gặp hạn

 

Tùy từng mức độ ảnh hưởng, người nông dân có thể áp dụng các cách khắc phục khác nhau để giảm thiểu hậu quả. 

Đối với vườn cà phê bị hạn nặng, lá, cành đã bị khô và rụng trầm trọng thiết hại năng suất 70 – 100 %

Trong trường hợp này có thể xem xét trường hợp ghép cải tạo với các giống cà phê vối chọn lọc đã được công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9…. và chăm sóc gốc ghép, sử dụng chồi ghép, áp dụng kỹ thuật ghép, chăm sóc vườn sau khi ghép, theo quy trình ghép cải tạo cà phê đã khuyến cáo. Hoặc nếu vườn cà phê có năng suất trung bình các năm trước cao (4 – 5 tấn nhân/ha), cây đồng đều, có thể cưa đốn phục hồi tái tạo lại hệ thống thân cành mới. Sau khi cưa đốn phục hồi, áp dụng biện pháp tạo hình, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình đã khuyến cáo. Nếu vườn cà phê bị chết cây thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, những năm gần đây liên tục bị thiếu nước, về lâu dài không chủ động được nguồn nước tưới bền vững, cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn. Sau khi thanh lý vườn cà phê bị hại do khô hạn, lựa chọn một số cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương và có nhu cầu sử dụng ít nước như cây điều, sầu riềng, chôm chôm, bơ….trồng thay thế. Kết hợp trồng xen đậu đỗ, ngô, sắn, cỏ chăn nuôi,…những năm đầu để có thu nhập. Trong trường hợp trồng tái canh lại cà phê, đối với vườn cà phê bị chết do khô hạn, song có khả năng đảm bảo nguồn nước tưới trong điều kiện khí hậu thời tiết bình thường và nằm trong vùng quy hoạch thì thực hiện tái canh.

Đối với vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình năng suất có thể bị giảm từ 30 – 70 %

Ở mức ảnh hưởng này, người nông dân có thể đốn tỉa và tạo tán, cắt bỏ cành khô, cành bị rụng lá, cành vòi voi càng sớm càng tốt để giúp cây cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả, hạn chế rụng quả; thu gom cành, lá và cỏ dại tủ gốc để hạn chế thoát hơi nước; lưu ý đánh chồi vượt kịp thời để giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe; trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán; thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại.

Lưu ý: Phun phân bón lá chuyên dùng cho cây (như NUCAFE) trong trường hợp đất không đủ ẩm, phun ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 15 – 20 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để cây phục hồi và hạn chế rụng quả sau thời kỳ khô hạn. Khi đất đủ ẩm thì bón phân cho cây. Lượng phân theo khuyến cáo và nên chia làm 2 lần bón cho đợt phân bón đầu mùa mưa để phục hồi vườn cà phê. Đặc biệt, ngay đầu mùa mưa cần tiến hành trồng cây che bóng bổ sung như cây muồng đen…theo quy trình.

Trên đây, chuyên mục Tin tức đã gửi đến bạn đọc một số biện pháp chống hạn cho cây cà phê để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con. Đặc biệt hiện nay sản lượng cà phê tại Việt Nam đang rất thấp và còn có xu hướng tiếp tục giảm trong năm nay. Điều này gây nên nhiều khó khăn cho nhiều doanh nghiệp toàn ngành. Khắc phục tốt tình trạng hạn hán góp phần cải thiện sản lượng, chất lượng mùa vụ.

Theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác!

Bài viết liên quan:

– Uống cà phê nhiều có tốt không?

– Nên uống cà phê trước khi ngủ bao lâu?

– Tại sao nhà rang cần giữ độ tươi mới của cà phê rang?

Rate this news